Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khế
    Cây thân gỗ vừa, có nhiều cành, không cần nhiều ánh nắng. Hoa màu tím hồng pha trắng, mọc ở nách lá hoặc đầu cành. Quả khế có 5 múi nên lát cắt ngang tạo thành hình ngôi sao, quả còn non màu xanh, khi chín có màu vàng. Có hai giống khế là khế chua và khế ngọt. Cây khế là hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ.

    Lá và hoa khế

    Lá và hoa khế

    Quả khế

    Quả khế

  2. Ốc nhồi
    Còn gọi là ốc đồng, điền loa, loại ốc hay gặp ở các ao, ruộng vùng đồng bằng, trung du. Ốc nhồi có vỏ tương đối lớn, mặt vỏ bóng, màu xanh vàng hoặc nâu đen, mặt trong hơi tím. Lỗ miệng dài hẹp, tháp ốc vuốt nhọn, có 5,5 - 6 vòng xoắn, các vòng xoắn hơi phồng, rãnh xoắn nông, các vòng xoắn trên nhỏ dần, vuốt nhọn dài. Ốc nhồi là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn dân dã như ốc xào, bún ốc, canh ốc hay những món đặc sản: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng, ốc nhồi hấp sả.

    Ốc nhồi

    Ốc nhồi

  3. Trái lí
    Trái với lí lẽ thông thường (nước chảy qua đèo, bà già cưới chồng).
  4. Cù cù
    Chim cu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Lỗ lù
    Lỗ khoét trên thành hoặc dưới đáy các vật đựng nước hay ghe thuyền, dùng để xả nước khi cần.
  6. Lá trầu và lá tiêu rất giống nhau nên người ta hay nhầm lẫn.
  7. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  8. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).
  9. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  10. Bà Điểm
    Tên một xã thuộc huyện Hóc Môn, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày trước nơi đây nổi tiếng là một trong "mười tám thôn vườn trầu." Về nguồn gốc tên gọi này hiện có ba giả thuyết:

    1. Vào năm 1868, người dân Quảng Bình di cư vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm nên đã dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất.
    2. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này tại nhà một bà lão tên là Điểm.
    3. Theo lí giải của Trương Vĩnh Ký, Bà Điểm là tên của một trong sáu bà vợ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông mua đất và xây cất sáu cái chợ to, mỗi chợ mang tên một bà vợ. Từ đó, vùng đất có chợ Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn mang tên gọi này.

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

  11. Chợ Cầu
    Còn gọi là Bến Phân (trước là nơi hay nhập phân tằm cho vườn trầu Hóc Môn-Bà Điểm), tên một địa danh nằm ven rạch Tham Lương, nay chỉ còn là tên chợ và cây cầu thuộc xã Đông Hưng Thuận, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây nổi tiếng với nghề nhuộm.
  12. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  13. Trếu tráo
    Nói trếu, nói giễu cợt.
  14. An Phú
    Một làng trước thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là làng nghề nấu mạch nha truyền thống một thời nức tiếng.
  15. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  16. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  17. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.