Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Câu này nhắc đến hệ thống “phân phối” dưới thời bao cấp.
  2. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  3. Dọi
    Theo (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  4. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  5. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  6. Nường
    Nàng (từ cũ).
  7. Nghinh Tiên
    Một làng nay thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng nổi tiếng có nghề bện, vặn thừng.
  8. Thừng
    Dây thừng. Loại dây to và chắc, thường được bện bằng đay hay gai, dùng để buộc.
  9. Trung Nguyên
    Một làng nay thuộc xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước kia làng nổi tiếng có nghề đan thúng.
  10. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Hai làng Nghinh Tiên và Trung Nguyên ngày xưa có kết nghĩa với nhau (theo Địa chí Vĩnh Phúc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012).
  12. Có bản chép: Hạt đen, rễ trắng.
  13. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  14. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  15. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Tầm gửi
    Còn gọi là chùm gửi, là tên gọi chung của một họ thực vật sống bán kí sinh trên những cây khác. Có khoảng 1300 loại tầm gửi, vài loại trong số đó có tác dụng chữa bệnh.

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

  17. Gắn bó không chặt chẽ, thường dùng trong những trường hợp quan hệ tình nghĩa không như ý.
  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  19. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  20. Con thoi
    Bộ phận của khung cửi hay máy dệt, ở giữa phình to, hai đầu thon dần và nhọn (vì vậy có hình thoi), có lắp suốt để luồn sợi.

    Máy dệt và con thoi

    Máy dệt và con thoi

  21. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  22. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  23. Rượu cúc
    Tên Hán Việt là hoàng hoa tửu, một loại rượu chưng cất từ hoa cúc, được người xưa xem là rượu quý dành cho người biết hưởng thụ.

    Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
    Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

    (Cảm Tết - Tú Xương)

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

  24. Trà lan
    Trà ướp hoa lan, một loại trà quý.

    Trà và hoa lan

    Trà và hoa lan

  25. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  26. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  27. Cơm tấm
    Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Ngày nay cơm tấm đã trở thành món ăn quen thuộc, được coi là đặc sản của miền Nam.

    Cơm tấm

    Cơm tấm

  28. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  29. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  30. Bình Sơn
    Tên một huyện ở đông bắc tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có hai cảng biển rất quan trọng là cảng Sa Kỳ và cảng Dung Quất.

    Cảng Dung Quất

    Cảng Dung Quất

  31. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  32. Cổ Đô
    Một thôn thuộc xã Trà Sơn, tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên ngày trước, nay là một phần của xã Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa.
  33. Giang hồ
    Sông và hồ, chỉ cảnh vật đẹp đẽ (nay ít dùng).
  34. Con nước
    Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.
  35. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  36. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  37. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  38. Lan chi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lan chi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  39. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  40. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  41. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)