Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  3. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  4. Sắc mắc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sắc mắc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  5. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  6. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  8. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  9. Cù lao Ông Chưởng
    Tên một cù lao thuộc tỉnh An Giang, nằm trên con rạch cùng tên chia nước từ sông Tiền qua sông Hậu. Tên cù lao và rạch được đặt theo tên của quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh. Cù lao này cùng với vùng đất hai bên bờ rạch rất màu mỡ, nhiều ruộng vườn tươi tốt, giàu tôm cá. Gia Định thành thông chí chép:

    Tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy, ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai, bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ...

    Rạch Ông Chưởng

    Rạch Ông Chưởng

  10. Bến Lức
    Tên một huyện thuộc tỉnh Long An, là cửa ngõ phía Bắc của miền Tây Nam Bộ. Huyện Bến Lức cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về hướng tây nam và cách thành phố Tân An (thủ phủ Long An) 15 km về hướng đông bắc.
  11. Có bản chép: Ngựa ông Cao Biền.
  12. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  13. Ải
    Cày lật đất lên, tháo hết nước đi để cho đất phơi nắng. Ải đất trong canh tác nông nghiệp có mục đích khử trùng đất, giảm bớt các tác nhân gây bệnh cho hoa màu trong đất.

    Cày ải đất

    Cày ải đất

  14. Dầm
    Cày đất, tháo nước vào để ngâm đất.
  15. Phơi đất ải kĩ không bằng dầm đất cho thật tơi ra.
  16. Của ruộng đắp bờ
    Lấy đất ở dưới ruộng đắp lên bờ ruộng. Nghĩa bóng: Người thân cho nhau thì chẳng mất mát đi đâu, chẳng thiệt thòi gì. Cũng có nguồn giải thích: Giúp đỡ lo liệu cho người khác mà dùng chính tiền của của người ấy thì chẳng mất mát gì mà lại được tiếng.
  17. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  18. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  19. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  20. Hom
    Cũng gọi là hơm, phần chóp hai đầu của lờ đánh cá, thuôn về bên trong, để cá chỉ có thể chui vào chứ không chui ra được.
  21. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  22. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  23. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  24. Nhất ngon là đầu cá gáy, nhất thơm là cháy cơm nếp
    Đầu là phần ngon nhất của con cá gáy, cũng như cháy cơm là phần thơm nhất của nồi cơm nếp.
  25. Chết trẻ khỏe ma, chết già lú lẫn
    Già trẻ cũng đều chết, có chết trẻ cũng không nên tiếc. (Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Huình-Tịnh Paulus Của)