Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  2. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  5. Cầu ván
    Cầu được lát bằng những tấm ván nằm ngang. Đây là một loại cầu rất thường gặp ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, cùng với cầu khỉ, cầu dừa và cầu tre.

    Cầu ván

    Cầu ván

  6. Đông Ngàn
    Một địa danh cổ, tương ứng với diện tích thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, và một phần các huyện Đông Anh, Gia Lâm, thành phố Hà Nội ngày nay.
  7. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  8. Lũy Thầy
    Tên một công trình thành lũy quân sự tại khu vực ngày nay là Đồng Hới, Quảng Bình, bao gồm các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, và Trường Sa. Hệ thống lũy này được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỉ 17 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. "Thầy" chính là danh xưng mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi Đào Duy Từ để tỏ lòng kính trọng. Về sau nhân dân cũng theo đó mà gọi hệ thống thành lũy là lũy Thầy. Hiện nay lũy đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Luỹ Trường Sa, một phần của hệ thống Luỹ Thầy

    Lũy Trường Sa, một phần của hệ thống lũy Thầy

  9. Võ Xá
    Tên một làng thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tại đây có đầm lầy Võ Xá, vốn là một dải đầm lầy tự nhiên kéo theo đường thiên lí từ Quảng Bình vào Thuận Hóa. Làng Võ Xá là một trong "bát danh hương" (tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng) của Quảng Bình, gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa (cùng thuộc huyện Quảng Trạch), và Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại (cùng thuộc huyện Quảng Ninh).
  10. Năm 1648, sau khi thất bại trong việc đánh Lũy Thầy (lũy Trường Dục), quân Trịnh quay sang đánh vào vùng Võ Xá và thu được thắng lợi. Song, khi chiếm được chỗ đứng chân thì lại bị quân Lưu Đôn chặn đánh ở Thập Dinh (nay vẫn còn xã Dinh Mười, huyện Quảng Ninh) đẩy xuống vùng đầm lầy Võ Xá. Quân Trịnh bị sa lầy tại đây, và trong thế trận tiến thoái lưỡng nan do không có được sự hỗ trợ từ đường thủy, sau đó buộc phải rút quân ra Bắc.
  11. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  12. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  13. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  14. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  15. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  16. Rẫy
    Đất trồng trọt ở miền rừng núi, có được bằng cách phá rừng, đốt cây rồi trồng tỉa.
  17. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  18. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  19. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  20. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  21. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  22. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  23. Tân Châu
    Địa danh nay là thị xã thuộc tỉnh An Giang, điểm đầu nguồn của sông Tiền khi chảy vào nước ta. Tại đây nổi tiếng với lãnh Mỹ A, loại lụa bóng được nhuộm đen bằng trái mặc nưa.

    Trái mặc nưa

    Trái mặc nưa

  24. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  25. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  26. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  27. Tư điền
    Ruộng của riêng.
  28. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  29. Đòn tay
    Đoạn tre hay gỗ nằm trên kèo, dùng để đỡ rui của mái nhà.
  30. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  31. Trống bỏi
    Trống bằng giấy cho trẻ con chơi, hai bên có hai sợi dây, đầu buộc một hạt nặng, đập vào mặt giấy thành tiếng khi xoay nhanh.

    Trống bỏi

    Trống bỏi

  32. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  33. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  34. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  35. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm