Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Huỳnh liên
    Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.

    Huỳnh liên

    Huỳnh liên

  2. Gáo vàng
    Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.

    Gáo vàng

    Gáo vàng

  3. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  4. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  6. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  7. Thiên lý
    Ngàn dặm (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ khoảng cách xa xôi.
  8. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  9. Kháp
    Khớp, ăn khít vào nhau. Cũng dùng với nghĩa là "gặp mặt."
  10. Tạo hóa
    Đấng tạo ra vạn vật theo quan niệm của người xưa.
  11. Có thể là thuốc rê hoặc thuốc xỉa.
  12. Thỉ
    Một chút, một xíu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  13. Mạ
    Mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  14. Xắp
    Cắt bằng kéo (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  16. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  17. Phú Quốc
    Được mệnh danh là đảo Ngọc, hòn đảo lớn nhất nước ta, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc có nhiều bãi biển rất đẹp, thu hút nhiều khách du lịch. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản hồ tiêu có vị cay nồng rất riêng.

    Bãi biển Phú Quốc

    Bãi biển Phú Quốc

  18. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  19. Vũng Rô
    Tên cũ là Ô Rô, một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Hiện nay Vũng Rô là một cảng biển lớn, đồng thời là một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Vũng Rô

    Vũng Rô

  20. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  22. Nỏ
    Khô ráo.
  23. Gá dươn
    Gá duyên, kết nghĩa vợ chồng (phương ngữ Nam Bộ).
  24. Mỹ Đông
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
  25. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  26. Quan ba
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm đại úy (capitaine) Gọi vậy vì quân hàm này có 3 vạch.
  27. Quan sáu
    Cách gọi thời Pháp thuộc của quân hàm Đại tướng.
  28. Quan năm
    Cách gọi thời Pháp thuộc của quân hàm đại tá. Gọi vậy vì quân hàm này có 5 vạch.
  29. Tứ Trưng
    Tên Nôm là Kẻ Dưng, nay là một xã thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một vùng đất có nền văn hiến lâu đời, với đầm Dưng, chợ Dưng, đền Dưng, và lễ hội thờ Đức Ông vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

    Đền Dưng

    Đền Dưng

  30. Hương Canh
    Tên nôm là làng Cánh hay Kẻ Cánh, thuộc huyện An Lãng, xứ Sơn Tây thời Hậu Lê, nay là thị trấn Hương Canh, huyện lị huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây có phiên chợ Cánh, còn gọi là chợ Hương Canh, ngày xưa mỗi tháng họp tới 12 phiên vào các ngày hai, ngày tư, ngày sáu và ngày chín hàng tháng; trong đó ngày hai, ngày sáu là phiên chính, ngày tư ngày chín là phiên xép. Chợ Cánh có bán đủ các mặt hàng. Đặc biệt có dãy quán lò rèn luôn đỏ lửa để sửa chữa nông cụ tại chỗ cho bà con nông dân kịp lấy ngay. Ngoài ra Hương Canh còn nổi tiếng có nghề thợ xây. Làng có cả đường bộ, đường thủy và đường sắt chạy qua, rất thuận tiện cho giao thương.

    Lễ hội kéo song ở Hương Canh

    Lễ hội kéo song ở Hương Canh

  31. Đại Tự
    Tên nôm là kẻ Tự, nay là một xã thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
  32. Cựu Ấp
    Tên nôm là kẻ Rau, nay là xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng thờ Tam Giang Đại Vương Thổ Lệnh, có nghề nuôi tằm. Hàng năm làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng Năm có các tục đua thuyền cướp kén ở ngã Ba Hạc.
  33. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  34. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  35. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  36. Lắng
    Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
  37. Nây
    Béo, mập tròn, đầy đặn.
  38. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  39. Trẫm
    Gốc từ chữ trầm 沈, nghĩa là chìm. Trẫm mình hay trầm mình nghĩa là tự tử bằng cách nhảy xuống nước cho chết đuối.
  40. Quán La Xã
    Một làng cổ, xưa có tên là đỗng (hay động) Già La (hay Dà La), lấy theo tên quán Dà La thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong bốn vị thần trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long ngày xưa. Quán thờ này lại lấy tên từ sông Dà La (sông Thiên Phù) chảy phía sau (sông này nay đã bị bồi lấp). Ngày nay Quán La Xã là một phần của phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.
  41. Phú Gia
    Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
  42. Phú Xá
    Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.