Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vông nem
    Còn gọi là cây vông, một loại cây thân có thể cao đến mười mét, có nhiều gai ngắn. Lá vông thường được dùng để gói nem hoặc để làm thuốc chữa bệnh trĩ, mất ngủ…

    Hoa và lá vông nem

    Hoa và lá vông nem

  2. Theo kinh nghiệm dân gian, lá vông và lá sen giã nát lấy nước uống; bã chưng nóng rịt vào hậu môn có thể chữ bệnh trĩ (lòi dom).
  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  6. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  7. Lưu Bị
    Vua nhà Thục thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Huyền Đức, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, dòng dõi nhà Hán. Theo giai thoại dân gian và trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông là người nhân hậu, trọng tình nghĩa, nhất là trong tình cảm anh em kết nghĩa với Quan VũTrương Phi.

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

  8. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  9. Lưu Bị viếng Khổng Minh
    Một tích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Gia Cát Lượng thuở còn hàn vi ở ẩn trong một cái lều cỏ ở Long Trung. Lưu Bị cùng với hai em kết nghĩa là Quan VũTrương Phi đến lều cỏ để thỉnh cầu ông ra giúp việc nước, nhưng hai lần ông không chịu tiếp mà chỉ ăn ngủ trong lều như thường. Mãi đến lần thứ ba ba người mới gặp được Gia Cát Lượng. Tích này có tên là Tam cố thảo lư (ba lần đến lều cỏ).

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

  10. Xuân Ổ
    Tên Nôm là làng Ó, một làng nay là hai thôn Xuân Ổ A và Xuân Ổ B thuộc phường Bắc Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xưa thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du. Hằng năm vào mồng 5 Tết, làng mở hội thờ cúng Thành hoàng và hát quan họ. Chợ làng trước đây gọi là chợ Ó, nay không còn. Trước ngày vào đám, chập tối ngày mùng 4, làng nhóm họp chợ phiên. Phiên chợ Ó vừa tan, nhiều quán trầu của các cụ bà mọc lên, theo đó ''liền anh, liền chị'' mời nhau vào ngồi xơi trầu, rồi bắt đầu cuộc hát (xem thêm).
  11. Quan họ
    Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...

    Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

    Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)

  12. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  13. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  14. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  15. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  16. Tề
    Cắt bớt.
  17. Rương
    Hòm để đựng đồ (sách vở, quần áo...) hoặc tiền vàng, thường làm bằng gỗ, có móc khóa.

    Cái rương

    Cái rương

  18. Kèn Tây
    Tên chung nhân dân ta đặt cho các loại kèn đồng được du nhập từ thời Pháp thuộc.
  19. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  20. Xằng
    Sai, bậy.
  21. Phú Quốc
    Được mệnh danh là đảo Ngọc, hòn đảo lớn nhất nước ta, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc có nhiều bãi biển rất đẹp, thu hút nhiều khách du lịch. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản hồ tiêu có vị cay nồng rất riêng.

    Bãi biển Phú Quốc

    Bãi biển Phú Quốc

  22. Côn Sơn
    Cũng gọi là Côn Lôn hoặc Côn Nôn, tên hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây từ thời Pháp thuộc đã có nhà tù Côn Đảo để giam giữ tù chính trị, khét tiếng dã man và tàn bạo. Dưới chế độ nhà tù Côn Đảo, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã chết và được chôn cất tại Nghĩa trang Hàng Dương.

    Tượng người tù tại Côn Đảo

    Tượng người tù tại Côn Đảo

  23. Phồn
    Bè lũ, bọn (cũng như phường).
  24. Dầu chanh
    Tinh dầu làm từ vỏ chanh, mùi rất thơm và có nhiều công dụng: khử mùi, diệt khuẩn, làm đẹp...
  25. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  26. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  27. Đụt
    Trú mưa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  29. Bâu
    Cổ áo.
  30. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  31. Đa đa
    Còn gọi là gà gô, một loài chim rừng, thường sống trên cây hoặc trong các bụi rậm trên núi cao, ăn sâu bọ, đuôi ngắn. Đa đa thường bị săn bắt để lấy thịt.

    Chim đa đa

    Chim đa đa

  32. Kỷ trà
    Bàn nhỏ bằng gỗ, thấp, thường được chạm trổ tinh vi. Người xưa khi uống trà thường đặt tách và ấm trà lên trên kỷ.

    Bộ kỷ trà

    Bộ kỷ trà

  33. Dưng
    Dâng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).