Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  2. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  3. Tỉnh Khánh Hòa ngày trước có rất nhiều cọp. Bình Thuận thì nhiều ma (theo tín ngưỡng dân gian).
  4. Chân chữ bát
    Chân đi khuỳnh ra hai bên như chữ bát 八, dân gian còn gọi là đi "chàng hảng."
  5. Con trai khôn ngoan thì không chơi bời trác táng để phải mắc bệnh hoa liễu, dẫn đến đi tiểu khó và ít.
    Con gái khôn ngoan, khi bị chồng mắng trách không cãi lại, chỉ khóc lóc để làm mủi lòng người chồng.
  6. Be
    Bình đựng rượu, làm bằng sành, sứ hoặc đá quý, bầu tròn, cổ dài và hẹp.

    Be rượu bằng sứ

    Be rượu bằng sứ

  7. Rắp
    Toan làm việc gì.
  8. Vô hậu kế đợi
    Không có người nối dõi. Thành ngữ này hay bị đọc trại thành "Vô hậu tế đợi," và thường dùng khi chửi bới hoặc quở mắng.

    “Giỡn chi mà giỡn vô hậu tế đợi rứa. Mấy chuyện đó đừng có ham.” – Nhã Ca

  9. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  10. Trà Bồng
    Tên một huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây từ xưa nổi tiếng với nghề trồng quế.
  11. Bừa
    Nông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.

    Đi bừa ruộng với chiếc bừa

    Bừa ruộng

  12. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  13. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  14. Quản
    E ngại (từ cổ).
  15. Tuần
    Một lần rót (rượu, trà...)
  16. Đài
    Cái gàu con dùng để kéo nước giếng. Người ta thường làm đài bằng mo cau gấp lại ở hai đầu, cán làm bằng hai thanh tre kẹp lại, gọi là bồ đài.
  17. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  18. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Áo cổ kiềng
    Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
  20. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Đường kiệt
    Đường hẻm nhỏ (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Trà Ô Long
    Một loại trà ngon có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tùy vào thành phần và cách chế biến mà trà có nhiều hương vị rất khác nhau.

    Trà Ô Long

    Trà Ô Long

  24. Rượu cúc
    Tên Hán Việt là hoàng hoa tửu, một loại rượu chưng cất từ hoa cúc, được người xưa xem là rượu quý dành cho người biết hưởng thụ.

    Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
    Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

    (Cảm Tết - Tú Xương)

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

  25. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  26. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).