Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ma trơi
    Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.

    Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
    Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
    Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
    Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười

    (Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)

  2. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  3. Diên Sanh
    Tên Nôm là kẻ Diên, một làng xưa thuộc xã Diên Thọ, huyện Lợi Điều, châu Thuận Hóa, nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tại đây có những địa danh như làng Diên Sanh, chợ Diên Sanh (chợ Kẻ Diên), chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước, nhà thờ Diên Sanh...

    Chợ Diên Sanh ngày nay

    Chợ Diên Sanh ngày nay

  4. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  5. Chín suối
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ Hán cửu tuyền. Theo Thế thuyết, sau khi Ân Trọng Kham chết, Hoàn Huyền hỏi Trọng Văn: "Cha ngươi là Trọng Kham là người như thế nào?" Trọng Văn nói: "Tuy không thể làm sáng tỏ một đời, cũng đủ để soi rọi khắp cửu tuyền."

    Trên tam đảo, dưới cửu tuyền
    Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng
    (Truyện Kiều)

  6. Tráng mì Quảng
    Một công đoạn trong quá trình làm mì Quảng. Nồi tráng mì là một nồi nước sôi, miệng căng một lớp vải. Người làm mì quét một lớp dầu mỏng trên lớp vải nồi, sau đó múc dung dịch bột mì đổ lên, dàn đều, và đậy vung lại để hơi nước làm cho mì chín (tạo thành "lá mì").

    Tráng mì Quảng

    Tráng mì Quảng

  7. Khoảng đất cạnh bờ sông, thường để trồng nông sản hoặc dâu tằm.
  8. Sông Sài Gòn
    Tên cũ là Bình Giang, một con sông chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ thuộc huyện Nhà Bè.

    Sông Sài Gòn

    Sông Sài Gòn

  9. Cầu Bình Lợi
    Tên câu cầu đầu tiên bắc ngang sông Sài Gòn, được xây dựng năm 1902. Cầu có kết cấu vòm thép, mặt gỗ, có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa.

    Cầu Bình Lợi trước đây

    Cầu Bình Lợi trước đây

  10. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  11. Giò
    Món ăn làm từ thịt gia súc hoặc gia cầm giã nhuyễn, gói chặt bằng lá chuối và lạt giang rồi luộc chín. Giò là một món ăn phổ biến trong ẩm thực nước ta, với nhiều biến thể như giò lụa (chả lụa), giò thủ, giò bò...

    Giò lụa (chả lụa)

    Giò lụa (chả lụa)

  12. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  13. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  14. Làm chay
    Làm lễ cúng để cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát, theo quan niệm dân gian.
  15. Quạt mo
    Quạt làm bằng mo cau. Sau khi cau trổ bông, tàu cau úa vàng rồi rụng xuống, được người ta nhặt đem phơi khô, ép thẳng rồi cắt thành hình chiếc quạt vừa tay cầm.

    Chiếc quạt mo

    Chiếc quạt mo

  16. Kiềng
    Dụng cụ bằng sắt có ba chân, để đặt nồi, chảo lên khi nấu nướng.

    Kiềng ba chân

    Kiềng ba chân

  17. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  18. Lửa bọn
    Lửa cháy hết, lửa tắt.
  19. Nhen
    Nhóm lửa.
  20. Bán bò mua cuốc
    Ngớ ngẩn, không biết tính toán, bán đi một tài sản lớn để mua một vật dụng nhỏ.
  21. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  22. Măng vòi
    Măng mọc ra từ nhánh tre (thay vì từ gốc), có thể dùng làm thức ăn như măng chua.

    Măng vòi

    Măng vòi

  23. Chuột chù
    Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.

    Chuột chù

    Chuột chù

  24. Trù
    Trầu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  25. Làm mọn
    Làm vợ lẽ (mọn có nghĩa là nhỏ).
  26. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  27. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  28. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  29. Sầu riêng
    Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.

    Quả sầu riêng

    Quả sầu riêng

  30. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  31. Mít tố nữ
    Một giống mít cho quả có dạng hình trứng dài, nhỏ (thường nặng dưới 2kg), vỏ xanh, nhìn hơi giống quả sầu riêng. Mít có múi lớn, màu đậm, ăn rất thơm và ngọt.

    Mít tố nữ

    Mít tố nữ