Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hòn Khô
    Tên một hòn đảo thuộc Cù Lao Chàm.
  2. Thạch tín
    Cũng gọi là nhân ngôn (vì chữ tín 信 gồm chữ nhân 亻và chữ ngôn 言 ghép lại), là tên gọi chung của một số hỗn hợp chứa chất Asen (Arsenic) và hợp chất của Asen với Oxy, rất độc, nhưng đồng thời là một vị thuốc trong đông y.
  3. Mã tiền
    Cây thân gỗ, cao tới 25 m, mọc hoang ở miền rừng núi. Hoa trắng hoặc vàng nhạt, có mùi thơm. Quả thịt hình cầu, có hạt dẹt như chiếc khuy áo. Hạt mã tiền (mã tiền tử) vị đắng, tính hàn, rất độc, được dùng trong đông y làm thuốc xoa bóp, chữa liệt nửa người, chó dại cắn, trị ghẻ...

    Lá và quả mã tiền

    Lá và quả mã tiền

  4. Cơi
    Đồ dùng thường bằng gỗ, thường có nắp đậy, dùng đựng các vật lặt vặt hoặc để đựng trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  5. Làng Gành
    Một làng biển gần cửa Đại, nay thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An.
  6. Thuyền mành
    Thuyền có buồm trông giống cái mành.

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của JB Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của J.B. Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

  7. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  8. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  9. Sông Đà ngày trước khét tiếng về bệnh sốt rét.
  10. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  11. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Tai
    Tai họa, tai nạn (từ Hán Việt).
  13. Hầu
    Gần như, sắp.
  14. Ác
    Mặt trời. Tương truyền trong mặt trời có con quạ ba chân, nên mặt trời được gọi là kim ô (con quạ vàng, hoặc con ác vàng).
  15. Giằng cối xay
    Cái cần dài một đầu có một khúc gỗ thọc vào lỗ tai cối, một đầu có thanh gỗ ngang buộc dính vào hai sợi dây từ cành cây hay trên sườn nhà thả thòng xuống. Khi xay bột hay xay lúa, người ta kéo giằng xay để cối quay tròn. Một số địa phương phát âm thành "giàng xay" hay "chàng xay".

    Xay lúa

    Xay lúa

  16. Cờ tướng
    Một trò chơi cờ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Hai người chơi điều khiển hai nhóm quân (thường có màu xanh-đỏ hoặc trắng-đen), mỗi nhóm có các quân Tướng, Sĩ, Tượng (có nơi gọi là Bồ), Xe, Pháo, Mã, Tốt, đi theo lượt, mỗi quân có cách đi khác nhau. Nếu quân Tướng của bên nào bị "chiếu bí," nghĩa là không còn nước đi, thì bên ấy thua cuộc.

    Ngoại trừ cách chơi này, người ta cũng nghĩ ra một số biến thể của cờ tướng như cờ mù, cờ thế, cờ người, chấp...

    Cờ tướng

    Cờ tướng

  17. Sang trượng
    Sang trọng (phương ngữ một số vùng Nam Bộ).
  18. Trang
    Đồ bằng gỗ, được đóng hoặc treo trên tường, chỗ cao ráo, trang trọng để thắp nhang, đặt bình hoa và các vật phẩm khác để thờ cúng ông bà tổ tiên.
  19. Nón bài thơ
    Loại nón nổi tiếng của xứ Huế, giữa hai lớp lá nón có lồng ép thơ, ca dao hoặc/ và hình hoa văn trang trí, chỉ thấy được khi soi ngược sáng.

    Nón bài thơ

    Nón bài thơ

  20. Tấm triệu
    Còn gọi là minh tinh, dải lụa dài trên có chữ ghi tên họ, tuổi tác, chức tước, ngày từ trần… của người chết, treo trên một chiếc đòn nhỏ có người khiêng (gọi là giá triệu), được khiêng đi trước quan tài trong đám tang.
  21. Tiên sư
    Người dựng nên một thuyết hay một nghề nghiệp (từ Hán Việt).
  22. Sơn Nam
    Một trong Thăng Long tứ trấn (bốn vùng đất bao quanh Hà Nội) ngày trước: Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Đông, Kinh Bắc. Trấn Sơn Nam gồm 11 phủ (42 huyện). Đến thời Tây Sơn, trấn được chia thành Sơn Nam Hạ (nay thuộc Nam Định, Thái Bình, và một phần Ninh Bình) và Sơn Nam Thượng (nay là Hưng Yên, Hà Nam, và một phần Hà Tây).

    Thăng Long tứ trấn

    Thăng Long tứ trấn