Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  2. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  3. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  4. Nữ thần phù hộ người đi biển. Theo Sơn Nam: “Bà là nhân vật có thật nhưng lần hồi được thêu dệt về sự linh thiêng. Nhờ tu tiên (theo đạo Lão Tử), tuy ngồi nhà Bà vẫn thấy người đi biển đang bị đắm thuyền, bèn dùng bùa phép để cứu vớt.”
  5. Gió đông
    Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    (Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)

    Trần Trọng San dịch:
    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  6. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  7. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  8. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  9. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  10. Hoa hiên
    Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.

    Hoa hiên

    Hoa hiên

  11. Mùi huyền
    Màu đen (mùi là từ cổ của màu, ví dụ phơi mùi nghĩa là phai màu, theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  12. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  13. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  14. Mốc cời
    Bị mốc nặng, mốc mòn, mốc meo.
  15. Đông Đồ
    Một làng gồm 3 xóm: Đoài, Đìa, Vệ, nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đông Đồ xưa là vùng đất nghèo.
  16. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  17. Bừa
    Nông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.

    Đi bừa ruộng với chiếc bừa

    Bừa ruộng

  18. Xáng
    Đánh, đập mạnh một cái gì (xáng chén, xáng bạt tai...).
  19. Con nước
    Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.
  20. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  21. Lặn ngòi ngoi nước
    Gian nan vất vả.
  22. Ghế
    Độn (cho khoai, sắn, bắp... vào nồi cơm, thường là để tiết kiệm gạo).

    Cơm độn khoai

    Cơm độn khoai

  23. Quế Sơn
    Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.

    Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.

  24. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  25. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  26. Cao lương mĩ vị
    Món ăn ngon và quý nói chung (chữ Hán).
  27. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  28. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  30. Đinh Văn Nhưng
    Tục danh là ông Chảng, một nhân vật lịch sử của Bình Định. Ông sinh ở làng Bằng Châu, nay thuộc phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, là bạn của ông Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em nhà Tây Sơn), đồng thời là thầy dạy võ của Nguyễn Nhạc. Khi Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, muốn ban chức cho ông, ông trả lời “Ông làm vua là làm vua với thiên hạ, chứ với tôi, ông vẫn là con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho cha ông thì hơi nghịch, chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn...”. Vua đồng ý, ông Nhưng cầm bút viết 4 câu chữ Nôm

    Bùng binh chi tướng
    Uýnh cướng chi quan
    Bộn bàng chi chức
    Chảng chảng ngang thiên

    Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch dịch nghĩa 4 câu này là "Tướng lớn/ Quan to khiến người được phong mừng quýnh lên/ Chức nhiều/ Chảng ngang hàng với trời."

    Câu chuyện ông Chảng tự phong chức cho mình, cùng với câu "Chảng chảng ngang thiên," dần tạo nên câu nói "Ngang quá ông Chảng," chỉ những người có tính cách ngang bướng.

    Ông Chảng về làng

    Ông Chảng về làng