Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  2. Đòng
    Bông lúa non, sẽ phát triển thành hoa rồi thành hạt lúa. Lúa trổ đòng (hoặc lúa đòng đòng) là lúa đã bắt đầu ra bông, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

    Lúa trổ đòng

    Lúa trổ đòng

  3. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  4. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  5. Dạ
    Bên trong. Thường được dùng để chỉ tình cảm con người.
  6. Quỳnh tương
    Lấy từ Quỳnh tương ngọc dịch. Quỳnh là ngọc đẹp, còn tươngdịch là cách gọi chất lỏng. Thành ngữ này có nghĩa là "rượu làm bằng ngọc đẹp." Người xưa cho rằng rượu làm từ ngọc ra mà uống thì có thể thành tiên. Quỳnh tương vì thế chỉ loại rượu rất quý.

    Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
    Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân

    (Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến)

  7. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  8. Tưởng
    Nghĩ, cho rằng.
  9. Ý nói thương con trai, con gái đồng đều. Ngày xưa, với quan niệm trọng nam khinh nữ, thường là con trai trong gia đình được thương, được quý hơn con gái.
  10. Tiền Giang
    Một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam và thành phố Cần Thơ 90 km về hướng Bắc. Tiền Giang nằm trải dọc bờ Bắc, sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho toàn tỉnh.

    Trước khi bị người Việt xâm lược vào thế kỷ 17, đất Tiền Giang thuộc về Chân Lạp (nhà nước đầu tiên của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương, gồm Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện đại.)

  11. Bài ca dao này tương tự một bài thơ tương truyền của vua Thành Thái (cũng trở thành ca dao).
  12. Bệnh phong
    Còn gọi là bệnh cùi hoặc hủi. Da thịt người mắc bệnh thường phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt. Lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Sau đó các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng, ngón tay ngón chân rụng dần.

    Trước đây bệnh hủi bị xem là nan y và người mắc bệnh hủi thường bị ghê sợ, xa lánh.

    Người mắc bệnh phong

    Người mắc bệnh phong

  13. Mỹ Tho
    Thành phố tỉnh lị thuộc tỉnh Tiền Giang. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Khmer srock mé sa, mi so, nghĩa là "xứ có người con gái nước da trắng." Lịch sử hình thành của vùng đất này bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 17, một nhóm người Minh Hương di cư từ Trung Quốc đã được chúa Nguyễn cho về định cư tại đây và lập nên Mỹ Tho đại phố. Đô thị này cùng với Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) là hai trung tâm thương mại lớn nhất tại Nam Bộ lúc bấy giờ. Trải qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, Mỹ Tho đại phố mất dần vai trò trung tâm thương mại về tay của vùng Sài Gòn - Bến Nghé.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay là một đầu mối giao thông quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Mỹ Tho là hủ tiếu.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  14. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  15. Lái
    Bộ phận phía sau đuôi thuyền, có tác dụng điều khiển hướng đi của thuyền. Thuyền thường có hai người chèo: một người đằng lái, một người đằng mũi.
  16. Lèo
    Dây buộc từ cánh buồm đến chỗ lái để điều khiển buồm hứng gió. Gió cả, buồm căng thì lèo thẳng. Động tác sử dụng lèo cũng gọi là lèo (như trong lèo lái).
  17. Nhứt ngôn trúng, vạn sự thành
    Một lời đã nói đúng thì mọi chuyện đều thành công.
  18. Đành
    Ưng thuận (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Ngoan
    Giỏi giang, lanh lợi (từ cổ).
  20. Hồ lơ
    Hồ quần áo với nước có pha phẩm xanh loãng cho đẹp hơn. là màu xanh nhạt (từ tiếng Pháp bleu).
  21. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  22. Bấy
    Cua mới lột xác, vỏ còn mềm (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  23. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  24. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  25. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  26. Xáo xác
    Xào xạc, lao xao.
  27. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.
  28. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  29. Mương
    Đường nước do con người đào để dẫn nước.

    Mương nước

    Mương nước giúp tưới tiêu ruộng lúa

  30. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  31. Cốt nhục
    Xương (cốt) thịt (nhục). Người xưa quan niệm anh chị em, mẹ con, cha con là cùng chung xương thịt, nên tình anh (chị) em, mẹ con, cha con... được gọi là tình cốt nhục.
  32. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  33. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  34. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  35. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  36. Sen dâu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sen dâu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  38. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  39. Lẹm cằm
    Cằm chẻ.