Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  2. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  3. Để là hòn đất, cất lên ông Bụt
    “Khi chưa nặn, thì chỉ là hòn đất. Khi hòn đất đã nặn nên ông Bụt, thì ông Bụt hóa ra linh thiêng, được mọi người sùng bái thờ phượng. Người ta cũng vậy, khi hàn vi chưa gặp thời chỉ là một người nghèo hèn; khi gặp thời vận, có người cất đặt lên cho, thì tự nhiên hóa ra người tài giỏi quyền thế, ai cũng phải kính phục.” (Tục ngữ lược giải – Lê Văn Hòe)
  4. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  5. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  6. Gành Rồng
    Tên một mũi đá nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
  7. Sơn Hà
    Tên một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
  8. Cắn rốn
    Do chữ phệ tê hà cập (cắn rốn sao kịp). Con chồn thơm nhờ cái cái xạ ở nơi rốn, nên khi bị thợ săn đuổi bắt thì nó tự cắn rốn nuốt đi. "Cắn rốn không kịp" nghĩa bóng: Ăn năn đã muộn.
  9. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  10. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  11. Bát Tràng
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ.

    Gốm sứ Bát Tràng

    Gốm sứ Bát Tràng

  12. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  13. Hà Đông
    Tên một tỉnh cũ ở miền Bắc nước ta. Tỉnh nguyên có tên là tỉnh Hà Nội, sau khi triều đình Huế cắt phần tỉnh Hà Nội nhượng cho Pháp thì tỉnh lị chuyển về Cầu Đơ và tỉnh cũng đổi tên thành Cầu Đơ. Đến năm 1904, tỉnh Cầu Đơ đổi thành tỉnh Hà Đông. Qua một số lần sáp nhập và chia tách, tỉnh Hà Đông cũ hiện nay thuộc địa phận Hà Tây.

    Tỉnh Hà Đông đã đi vào thi ca và âm nhạc với bài thơ Áo lụa Hà Đông của thi sĩ Nguyên Sa, được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc (xem trên YouTube).

  14. Hồ lô
    Nghĩ gốc là quả bầu nậm (từ chữ Hán 葫蘆 hồ lô), loại bầu có eo quả co thắt lại. Vì ngày xưa vỏ bầu khô dùng để đựng rượu nên hồ lô còn có nghĩa là bầu rượu. Trong phong thủy và văn hóa Trung Hoa, hồ lô tượng trưng cho điềm lành.

    Hồ lô

    Hồ lô

  15. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  16. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  17. Chân sâu quảng
    Chứng bệnh do chân bị vết thương mà không chữa khỏi, biến thành sâu quảng (mỗi ngày ăn sâu xuống và lan rộng thêm ra), mụn đau nhức và ngứa, chung quanh mụn be bờ cao. Về tên gọi chân sâu quảng, có người cho rằng chứng chân sâu đi kèm với bệnh sốt rét là chứng lở loét nổi tiếng khó trị, lại thường thấy ở vùng Quảng Ninh nên người ta mới gọi là chứng sâu Quảng.
  18. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  19. Mặt trước núi Ngự trông rất cân, nhưng ở phía sau thì hình dáng lệch, không đều.
  20. Sông An Cựu
    Con sông nhỏ, dài khoảng 30 km, là chi lưu của sông Hương chảy qua phía Nam thành phố Huế. Đây là một con sông đào, được đào vào năm Gia Long thứ 13 (khoảng 1815) để góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thủy, vì vậy mới có tên khác là Lợi Nông. Ngoài ra, sông An Cựu còn có các tên khác là Phủ Cam hay Thanh Thủy.

    Sông An Cựu

    Sông An Cựu

  21. Hiện tượng sông An Cựu nắng đục, mưa trong được lý giải chủ yếu như sau: do sông nông nên vào mùa hè, nước thấp, phù sa ở đáy sông vẩn lên làm sông có màu đục. Đến mùa mưa, nước dâng cao, dòng chảy mạnh, nước sông mới trong xanh. Hiện tượng bất thường này còn được lý giải bằng truyền thuyết: khi vua Gia Long thuận theo ý nguyện nhân dân cho đào sông An Cựu, đã đào trúng hang một con thuồng luồng khổng lồ vốn ẩn mình nhiều năm dưới sông Hương. Mùa hè trời nóng nực, thuồng luồng trở mình dữ tợn làm khuấy đục phù sa sông. Đến mùa mưa, trời dịu mát, thuồng luồng nằm yên, nước sông không bị khuấy động, trở nên trong vắt.
  22. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  23. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  24. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  25. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  26. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Sáu Hột.
  27. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  28. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  29. Phượng cầu hoàng
    Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:

    Phượng hề phượng hề quy cố hương
    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
    Thời vị ngô hề vô sở tương
    Hữu diện thục nữ tại khuê phường
    Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
    Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
    Tương hiệt ương hề cộng cao tường

    Trong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:

    Cầu hoàng tay lựa nên vần
    Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào

  30. Trác Văn Quân
    Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Như chuyện Tương Như và Trác thị,
    Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
    Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
    Tôi với em Nhi kết vợ chồng

    (Hoa với rượu - Nguyễn Bính)

  31. Lao lư
    Day dứt, xót xa (phương ngữ Trung Bộ).