Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  3. Cau sáu, cau bảy là cách phân loại độ lớn của trái cau. Một trái cau sáu thường được bổ thành sáu miếng, cau bảy thành bảy miếng...
  4. Sửa dép vườn dưa
    Trích từ câu cách ngôn Trung Hoa Qua điền bất nạp lí, lí hạ bất chỉnh quan, nghĩa là: Ở ruộng dưa chớ xỏ giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ. Câu này được nói tắt thành Qua điền lí hạ, khuyên người đời cân nhắc, tránh những chuyện tình ngay lí gian.
  5. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Nằm bãi
    Ra bờ biển nằm đợi bắt đồi mồi cái lên đẻ trứng.
  7. Trà Ổ
    Còn có tên là Trà Ô, Châu Trúc hoặc Bàu Bàng, tên một cái đầm thuộc khu vực các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đầm Trà Ổ nằm giữa vùng bằng phẳng, được bao bọc bởi những dãy núi cao thấp trập trùng ở phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Trà Ổ là một trong những cảnh quan sinh thái tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, nên thơ của Bình Định.

    Đua thuyền trên đầm Trà Ổ

    Đua thuyền trên đầm Trà Ổ

  8. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  9. Mộ
    Mến phục.
  10. Lang
    Chó sói. Theo Thiều Chửu: Tính tàn ác như hổ, cho nên gọi các kẻ tàn bạo là lang hổ 狼虎.
  11. Bồng bồng
    Bồng khoai, có nơi gọi là dải khoai, ngó khoai - một phần mọc ra từ rễ của cây khoai ngứa (giống khoai thường trồng dưới nước, ven bờ ao hồ, để lấy thân và lá nấu cám cho lợn ăn). Khi dùng bồng bồng để nấu canh cho người ăn, trước hết phải ngắt ra từng đoạn ngắn rồi ngâm nước muối cho hết ngứa.

    Canh bồng nấu tôm

  12. Có bản chép: sớm hôm.
  13. Có bản chép: cho khoái.
  14. Khô khoai
    Khô cá khoai. Cá khoai, có nơi gọi là cá cháo, là một loại cá có nhiều ở các vùng biển Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, và nhất là Cà Mau. Cá dùng để nấu canh, nấu lẩu, hoặc làm cá khô.

    Phơi khô khoai

    Phơi khô khoai

    Khô khoai

    Khô khoai

  15. Cao nấm ấm mồ
    Nói về tập tục tảo mộ của dân ta. Mộ của dân thường ngày trước chủ yếu đắp bằng đất, tạo hình nấm tròn hay chiếc ghe bầu úp. Mộ lâu ngày thường bị mọc cỏ hoang, trâu bò phá hoại hay lún sụt do mưa gió... Nếu được con cháu trong nhà hàng năm chăm sóc, sửa sang thì nấm mồ tròn, cao, quang đãng, người đã khuất như cũng cảm thấy ấm áp vì lòng thành kính và nhớ thương của con cháu.
  16. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  17. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  18. Lừa
    Lựa chọn.
  19. Võng Thị
    Còn gọi là làng Võng, xưa ở huyện Quảng Đức, thuộc kinh thành Thăng Long, nay thuộc địa phận phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
  20. Thụy Khuê
    Làng cổ bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng xưa có tên là Thụy Chương, năm 1847 vì húy kị với thụy hiệu vua Thiệu Trị (Chương hoàng đế) nên phải đổi thành Thụy Khuê. Làng có nghề truyền thống làm rượu ướp hương sen nổi tiếng một thời.

    Lò rượu sen Thụy Chương

    Lò rượu sen

  21. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)