Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  3. Mao
    Một cách gọi của hào.
  4. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Cho tinh thần
    Cách nói của người miền Trung, có thể hiểu thành “cho lên tinh thần, cho (có vẻ) mạnh mẽ.”
  6. Trất
    Quách (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  9. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  10. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  11. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  12. Mi
    Mày, ngôi thứ hai số ít để xưng hô thân mật, suồng sã ở các tỉnh miền Trung.
  13. Cổ Đô
    Một làng cổ trước đó có tên là An Đô, sau lại đổi là An Bang, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội . Xưa làng nổi tiếng với nghề dệt lụa (lụa Cổ Đô là loại lụa tiến vua) và truyền thống hiếu học.

    Phong cảnh làng Cổ Đô

    Phong cảnh làng Cổ Đô

  14. Kiều Mộc
    Một làng xưa thuộc tổng Mộc Hoàn, nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội.
  15. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  16. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  17. Có người hiểu câu thành ngữ này với ý chê trách (làm việc thì vụng về, chỉ giỏi chống chế, biện bạch), nhưng theo Lê Giang trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Khi dùng chèo mà chèo cho thuyền đi tới thì dở và vụng về làm thuyền không đi được như ý, nhưng khi thuyền bị đâm ngang sắp húc vào bờ mà mắc kẹt thì lại biết khéo léo dùng cây sào chống cho thuyền quay mũi trở ra. Ý câu thành ngữ: Làm công việc bình thường thì không hay nhưng lại giỏi chỉ huy, dẫn dắt.
  18. Vạn
    Làng chài.
  19. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  20. Giả như
    Giống như, ví dụ như (phương ngữ).
  21. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  22. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  23. Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước
    Mô tả hài hước tình trạng mất nước thường xuyên ở thành phố vào thời bao cấp: nhà nhà phải đợi đến khuya để thay phiên nhau hứng nước.
  24. Thiên Hạt
    Tên dân gian là Thần Nông, còn gọi là chòm Bọ Cạp hoặc gọi tắt là sao Thần, một chòm sao lớn nằm ở bầu trời phía nam gần trung tâm của dải Ngân Hà. Nhà nông nước ta xưa kia xác định vụ lúa bằng cách quan sát biến đổi của chòm sao này.

    Chòm sao Thần Nông với đường nối tưởng tượng

    Chòm sao Thần Nông với đường nối tưởng tượng

  25. Khó
    Nghèo.
  26. Chao
    Dùng rổ sâu, giậm, cái chao mà múc, xúc hay hớt lấy vật gì.
  27. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  28. Lưu thú
    Làm lính canh giữ đồn, thành trong một khoảng thời gian nhất định.
  29. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  30. Người xưa muốn nắm được giờ giấc thì ban đêm phải dựa vào tiếng trống canh, ban ngày dựa vào ánh mặt trời (từ Hán Việt nhật có nghĩa là mặt trời). Câu tục ngữ ý nói: Giờ giấc đã định sẵn cả rồi, không sai lệch được.