Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xấu đắng nước
    Xấu đến độ nước ngọt mà thành đắng, tức là quá xấu.
  2. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  3. Tàu kéo ba hồi còi cách nhau. Hồi một là chuẩn bị. Hồi hai là thúc giục khách lên tàu. Hồi ba là lúc nhổ neo.
  4. Tài công
    Người phụ trách lái tàu, thuyền chạy bằng máy. Từ này có gốc từ giọng Quảng Đông của "tải công."
  5. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  6. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  7. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  8. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  9. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  10. Cô đạnh là cách nói lái của canh độ, tức món canh đỗ, canh đậu theo cách phát âm của một số vùng Bắc Trung Bộ.
  11. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  12. Má với cằm là cách nói lái của mắm với cà, những món ăn dân dã.
  13. Cầm bằng
    Kể như, coi như là (từ cũ).
  14. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  15. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  16. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  17. Tày
    Bằng (từ cổ).
  18. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  19. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  20. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  21. Giếng khơi
    Giếng sâu.
  22. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  23. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  24. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  25. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  26. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  27. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  28. Bố đĩ là người đàn ông dân dã trong làng nước, không có chức phận gì trong xã hội. Ông tổng là ông cai tổng, một người có quyền thế. Trên nguyên tắc, ông tổng quyền uy hơn bố đĩ, nhưng thực tế, kẻ nào có tiền thì được trọng vọng.
  29. Giở
    Nhấc (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Giò
    Chân (khẩu ngữ).
  31. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  32. Đây là đồng hồ nước ngày xưa, đo thời gian bằng cách cho nước vào nhỏ từng giọt. Ðồng hồ là một cái hồ bằng đồng, trong đựng nước. Dưới có lỗ nhỏ để nước nhỏ từng giọt ra ngoài. Mỗi khắc đồng hồ qua thì nước trong hồ vơi đi một ít. Cũng dựa trên cách làm này, người ta sáng chế thêm là làm một quả tròn và bộng bằng đồng có xoi một lỗ nhỏ. Quả này được thả nổi trong một chậu nước. Nước chui vào quả tròn bộng này, và khi quả tròn đầy nước thì sẽ chìm xuống chậu. Khi nhìn thấy hoặc nghe tiếng kêu thì người ta vội vớt trút nước ra, rồi đặt lại trên mặt nước như cũ. Cứ mỗi lần như vậy là một giờ. Đồng hồ nước hay còn gọi là "thủy lậu" hoặc "khắc lậu".

    Ðêm thu khắc lậu canh tàn
    Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương
    Lối mòn cỏ lợt màu sương
    Hồn quê đi một bước đường một đau

    (Truyện Kiều)