Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  2. Cửa Thanh Hà
    Tức cửa sông Gianh, con sông lớn nhất chảy qua tỉnh Quảng Bình. Đại Nam nhất thống chí viết: “Sông Linh Giang: ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà.”
  3. Lũy Thầy
    Tên một công trình thành lũy quân sự tại khu vực ngày nay là Đồng Hới, Quảng Bình, bao gồm các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, và Trường Sa. Hệ thống lũy này được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỉ 17 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. "Thầy" chính là danh xưng mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi Đào Duy Từ để tỏ lòng kính trọng. Về sau nhân dân cũng theo đó mà gọi hệ thống thành lũy là lũy Thầy. Hiện nay lũy đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Luỹ Trường Sa, một phần của hệ thống Luỹ Thầy

    Lũy Trường Sa, một phần của hệ thống lũy Thầy

  4. Sông La
    Một phụ lưu của sông Lam, chảy qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu tại bến Tam Soa. Sông La là một dòng sông rất đẹp, có phong cảnh nên thơ, sơn thủy hữu tình, là nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân và nhạc sĩ.

    Cầu Thọ Tường bắc qua sông La

    Cầu Thọ Tường bắc qua sông La

  5. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  6. Bụng ỏng
    Bụng to phình, thường được dùng để gọi đùa người có thai.
  7. Bình Trung
    Tên một làng nay là ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
  8. Dương Phước
    Tên một thôn xưa thuộc tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công, nay thuộc xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
  9. Nhất dương chỉ
    Một chiêu thức võ thuật xuất hiện trong các tác phẩm của Kim Dung, dồn nội lực vào một ngón tay (chỉ) để bắn ra.
  10. Nhị Thiên Đường
    Một nhãn hiệu dầu gió rất phổ biến ở miền Nam trước đây.

    Dầu gió Nhị Thiên Đường

    Dầu gió Nhị Thiên Đường

  11. Na Tra
    Một vị thần trong thần thoại dân gian Trung Hoa, được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc như Tây du kýPhong thần diễn nghĩa. Ông là con út của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, em của Kim Tra và Mộc Tra (nên cũng gọi là Tam thái tử). Na Tra được miêu tả là một vị thiên tướng khôi ngô, tuấn tú, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng, môi đỏ, bản tính nóng nảy, thẳng thắn, tay cầm thương, tay cầm vòng càn khôn, chân đi bánh xe Phong Hỏa.

    Na Tra đại chiến Mỹ Hầu Vương

    Na Tra đại chiến Mỹ Hầu Vương

  12. Có nơi hát: Tam Quốc Chí.
  13. Tứ đổ tường
    Bốn món ăn chơi được xem là tệ nạn trong xã hội cũ, gồm yên (thuốc phiện), đổ (cờ bạc), tửu (rượu chè), sắc (trai gái, đĩ bợm).
  14. Ngũ vị hương
    Một loại gia vị hay dùng trong ẩm thực của Trung Hoa (nhất là Quảng Đông) và Việt Nam, gồm có năm vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Ngũ vị hương đóng gói sẵn ở nước ta thường có: đại hồi, đinh hương, nhục quế, ngọc khấu, hồ tiêu, trần bì, hạt ngò, thảo quả, và hạt điều để tạo màu đỏ.

    Các nguyên liệu ngũ vị hương

    Các nguyên liệu ngũ vị hương

    Bột ngũ vị hương

    Bột ngũ vị hương

  15. Các chữ đầu trong bài đồng dao này lần lượt là các số từ 1 đến 6 theo âm Hán Việt (nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục). Mỗi câu từ 1 đến 5 là một vật hoặc việc quen thuộc trước đây, riêng câu 6 (Lục cơm nguội) là câu nói vui để trêu chọc học trò.
  16. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  17. Muỗm
    Miền Nam gọi là quéo, xoài hôi, hoặc xoài cà lăm, một loại cây giống cây xoài, thân lớn, thường được trồng trong các sân đình, chùa. Quả muỗm giống vỏ xoài nhưng nhỏ hơn và chua chứ không ngọt như xoài, nên thường để nấu canh hoặc chấm muối ớt.

    Cành và quả muỗm

    Cành và quả muỗm

  18. Trển
    Trên ấy (phương ngữ Trung và Nam Bộ)
  19. Chiêm Sơn
    Tên một làng nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là một trong những làng xã hình thành từ rất sớm vào thế kỷ 15 ở Quảng Nam khi những cư dân Thanh - Nghệ di dân vào khai phá mở mang bờ cõi với tiền hiền là tộc Nguyễn Công, Nguyễn Văn và Nguyễn Đình. Vào thời kỳ đầu các chúa Nguyễn (thế kỷ 17), làng Chiêm Sơn là nơi trù phú, nổi tiếng về nông nghiệp, dệt lụa tơ tằm. Qua nhiều thế hệ phát triển, đến những năm cuối thế kỷ 19, Chiêm Sơn trở thành làng quê nông nghiệp phồn thịnh điển hình nhất của Phủ Duy Xuyên với “số ruộng đất của làng đã lên đến 800 mẫu kể cả công tư điền thổ, nhân khẩu trên 1500 người; thổ sản của làng là lúa, khoai, đậu phụng; nhiều nhất là sắn, mỗi năm tiêu thụ không hết phải bán ra ngoài” (theo Quảng Nam xã chí).
  20. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  21. Duy Xuyên
    Tên một huyện nằm phía Bắc tỉnh Quảng Nam, có truyền thống hiếu học. Nơi đây có hai thắng tích nổi tiếng là thánh địa Mỹ Sơn và thành cổ Trà Kiệu.

    Thánh địa Mỹ Sơn

    Thánh địa Mỹ Sơn

  22. Cam
    Bằng lòng chịu vì cho là không thể nào khác được.
  23. Làng Sét
    Một làng thuộc xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Theo sử liệu, ông Trương Cảnh Tường là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp tại núi Quy Sơn, tên gọi Ấp Sát. Do đây là vùng đất địa linh, an vui lạc thổ, sông núi hữu tình nên người nghe tìm đến ngày càng phồn thịnh. Buổi đầu ở trên lưng núi, sau mở rộng dần xuống đất bằng. Ấp Sát trở thành thôn Sát (Sét), nay là làng Sét. Bến đò của làng cũng gọi là bến Sét.

    Đình làng Sét

    Đình làng Sét

  24. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  25. Ruộng chéo
    Cũng gọi là ruộng xéo, loại ruộng góc, hình tam giác (thay vì hình chữ nhật như bình thường).
  26. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  27. Cầm bằng
    Kể như, coi như là (từ cũ).
  28. Phạm Tải - Ngọc Hoa
    Tên một truyện thơ Nôm khuyết danh, gồm 928 câu thơ lục bát hoặc song thất lục bát, kể về mối tình của đôi vợ chồng Phạm Tải – Ngọc Hoa. Xem thêm trên Wikipedia.