Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  2. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  3. Người Hoa di cư qua Việt Nam làm nhiều đợt. Nhóm người "phản Thanh phục Minh" thường không thắt bính, nhóm người thuộc Thanh sang thì hay để tóc đuôi sam.

    Thợ máy người Hoa ở Sài Gòn đầu thế kỉ 20

  4. Tuần Giang, Nho Hứa bán chúa lập công
    Vào năm Canh Ngọ (1780), Đoan Nam Vương Trịnh Khải bị Nguyễn Hữu Chỉnh theo Tây Sơn đánh bại, chạy khỏi thành Thăng Long, qua huyện Yên Lãng (nay là Mê Linh) gặp tiến sĩ Lý Trần Quán. Quán đón Khải về nhà ở Hạ Lôi giao cho học trò là Tuần Giang (có bản chép là Tuần Khang, hoặc Tuần Trang) đưa đi trốn. Giang mưu cùng Nho Hứa (có bản chép là Nho Nứa) đem Trịnh Khải nộp cho quân Tây Sơn. Lý Trần Quán sau đó tự vẫn để tỏ lòng trung thành với chúa Trịnh.
  5. Câu này nói về bệnh giang mai, một loại bệnh phổ biến ngày trước, nhất là với những người đi chơi gái mại dâm. Bệnh giang mai không chữa trị kịp sẽ dẫn đến biến chứng là mù mắt.
  6. Su
    Sâu (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  7. Mù đinh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mù đinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  8. Rẻ quạt
    Cũng gọi là xòe quạt, tên chung của một số loài chim có thân nhỏ, đuôi dài, xòe ra như cái quạt. Chim có giọng hót lảnh lót, nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim rẻ quạt

    Chim rẻ quạt

  9. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  10. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  11. Khem
    Việc kiêng cữ khi sinh sản. Theo Đại Nam quấc âm tự vị, khem là một cây dài nhỏ, cắm trước nhà để cho biết nhà có việc sinh đẻ. Chị khem chỉ người phụ nữ vừa mới sinh con, đang trong giai đoạn kiêng cữ.
  12. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  13. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  14. Trai son gái hóa
    Không xứng đôi vừa lứa: trai thì trẻ trung, chưa vợ (son); gái đã góa (hóa) chồng.
  15. Trai tân
    Con trai chưa vợ.
  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Có bản chép: "Không ai chờ bạn".
  18. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  19. Lũy Thầy
    Tên một công trình thành lũy quân sự tại khu vực ngày nay là Đồng Hới, Quảng Bình, bao gồm các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, và Trường Sa. Hệ thống lũy này được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỉ 17 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. "Thầy" chính là danh xưng mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi Đào Duy Từ để tỏ lòng kính trọng. Về sau nhân dân cũng theo đó mà gọi hệ thống thành lũy là lũy Thầy. Hiện nay lũy đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Luỹ Trường Sa, một phần của hệ thống Luỹ Thầy

    Lũy Trường Sa, một phần của hệ thống lũy Thầy

  20. Võ Xá
    Tên một làng thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tại đây có đầm lầy Võ Xá, vốn là một dải đầm lầy tự nhiên kéo theo đường thiên lí từ Quảng Bình vào Thuận Hóa. Làng Võ Xá là một trong "bát danh hương" (tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng) của Quảng Bình, gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa (cùng thuộc huyện Quảng Trạch), và Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại (cùng thuộc huyện Quảng Ninh).
  21. Năm 1648, sau khi thất bại trong việc đánh Lũy Thầy (lũy Trường Dục), quân Trịnh quay sang đánh vào vùng Võ Xá và thu được thắng lợi. Song, khi chiếm được chỗ đứng chân thì lại bị quân Lưu Đôn chặn đánh ở Thập Dinh (nay vẫn còn xã Dinh Mười, huyện Quảng Ninh) đẩy xuống vùng đầm lầy Võ Xá. Quân Trịnh bị sa lầy tại đây, và trong thế trận tiến thoái lưỡng nan do không có được sự hỗ trợ từ đường thủy, sau đó buộc phải rút quân ra Bắc.
  22. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  23. Ân trượng nghĩa dày
    Ơn nặng nghĩa dày.
  24. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  25. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  26. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  27. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  28. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  29. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  30. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  31. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  32. Phỉ nguyền
    Thỏa lòng mong ước.
  33. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  34. Hòn Vọng Phu
    Hai khối đá, một cao, một thấp trông giống một người đàn bà tay dắt đứa con đang đứng ngóng nhìn ra khơi xa trên đỉnh núi Bà, thuộc thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

    Núi Bà ở Bình Định

    Núi Bà ở Bình Định, trên đỉnh là hòn Vọng Phu.

  35. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  36. Cù lao Xanh
    Cách thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định chừng 13 hải lý về phía Đông Nam, Cù lao Xanh là một trong 4 xã đảo và bán đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu ở phía Đông Nam của Quy Nhơn. Đảo có diện tích 365 ha, gồm các thôn: thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông. Đảo cách Sông Cầu - Phú Yên 6 km, được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975.

    Năm 1890, người Pháp đã xây dựng ở đây một ngọn hải đăng sớm nhất và hiện đại nhất Đông Dương. Hải đăng cao 118 m so với mực nước biển. Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh trông như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống, còn bãi sau toàn đá. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm.

    Cù lao Xanh ở Bình Định

    Cù lao Xanh ở Bình Định

  37. Bí ngô
    Một giống bí cho quả tròn, khi chín thịt có màu đỏ hoặc vàng cam, dùng để nấu canh. Tùy theo vùng miền mà người ta gọi là bí ngô, bí đỏ, hoặc bí rợ.

    Bí đỏ

    Bí đỏ

  38. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhì Bí.
  39. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  40. Trụ Vương
    Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
  41. Ngụ cư
    (Người) từ nơi khác đến và sinh sống ở nơi không phải là quê hương của mình.