Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  2. Giừ
    Giờ, bây giờ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  3. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  4. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  5. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  6. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  7. Hàm Luông
    Một trong các nhánh của sông Tiền, là ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70 km, chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre. Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi... Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

  8. Mèo
    Phương ngữ Nam Bộ lấy ý từ thành ngữ "mèo mả gà đồng" hoặc "mèo đàng chó điếm," chỉ nhân tình vụng trộm. Trong một số ngữ cảnh, mèo cũng chỉ người được được hứa hẹn là sẽ cưới hỏi sau này.
  9. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  10. Nhút
    Món dưa muối xổi (muối nhanh, làm ăn ngay trong ngày) làm từ xơ mít hoặc hoa chuối, có thể trộn thành nộm, hoặc nấu canh cá, xào với thịt ba chỉ v.v. Nước ta có nhút mít Thanh Chương (Nghệ An) ngon nổi tiếng.

    Nhút mít

    Nhút mít

  11. Tròn như vại nhút
    Vừa béo vừa lùn.
  12. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  13. Bòi
    Dương vật.
  14. Khái
    Con hổ.
  15. Qua khỏi truông trổ bòi cho khái
    Lúc qua truông rậm rạp nguy hiểm thì sợ cọp beo ăn thịt, qua được rồi thì tỏ vẻ coi thường (trổ bòi cho cọp). Nghĩa bóng chỉ thái độ tráo trở, lật lọng.
  16. Lọ
    Nói tắt của cặc lọ.
  17. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  18. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  19. Tái hồi
    Quay lại (từ Hán Việt).
  20. Chữ vàng
    Chữ của nhà vua phong chức tước.
  21. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  22. Ốc xà cừ
    Một loại ốc biển lớn, vỏ dày có nhiều hoa văn đẹp mắt. Vỏ ốc xà cừ thường được dùng để khảm vào các đồ vật bằng gỗ, có tác dụng trang trí, gọi là cẩn xà cừ.

    Ốc xà cừ

    Ốc xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

  23. Tiền Giang
    Một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam và thành phố Cần Thơ 90 km về hướng Bắc. Tiền Giang nằm trải dọc bờ Bắc, sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho toàn tỉnh.

    Trước khi bị người Việt xâm lược vào thế kỷ 17, đất Tiền Giang thuộc về Chân Lạp (nhà nước đầu tiên của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương, gồm Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện đại.)

  24. Bài ca dao này tương tự một bài thơ tương truyền của vua Thành Thái (cũng trở thành ca dao).
  25. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  26. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  27. Săn sắt
    Còn gọi là cá thia lia hoăc cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân hình rất nhỏ nhưng rất phàm ăn.

    Cá cờ

    Cá cờ

  28. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  29. Nhà thờ Lớn Hà Nội
    Tên chính thức là Nhà thờ Chính tòa thánh Giuse, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, được xây dựng từ năm 1884, nay thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

    Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

  30. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.