Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  2. Song đường
    Thung đườnghuyên đường, chỉ cha và mẹ (từ Hán Việt).
  3. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  4. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  6. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  7. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  8. Thành ngữ có câu "Ngậm bồ hòn làm ngọt."
  9. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  10. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  11. Bảy Ngàn
    Nay là tên một trong bốn thị trấn của huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, Việt Nam. Địa danh Bảy Ngàn bắt nguồn từ công trình đào kênh xáng Xà No của người Pháp trước đây. Năm 1901, người Pháp khởi công đào kênh Xà No dài 34 cây số nối từ vàm xáng rạch Cần Thơ (một nhánh của sông Hậu) đến ngọn rạch Cái Tư (một nhánh của sông Cái Lớn). Để phát huy tác dụng của kênh xáng Xà No, người Pháp tiếp tục cho đào các con kênh ngang vào đồng ruộng, cứ 500 mét là một con kênh nhỏ, 1000 mét là con kênh lớn. Từ đó có các địa danh như: Một Ngàn, Bảy Ngàn, Bảy Ngàn Rưỡi, Mười Ngàn... thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
  12. Củ co
    Loại cây sống dưới nước thường mọc nơi bưng biền vào mùa mưa, nhiều nhất là vùng Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng… Cây có hình dáng giống như bông súng. Dây nhỏ hơn đầu mút đũa, lá bằng cỡ miệng chén, tròn, màu xanh nhạt ửng hồng, nổi trên mặt nước. Củ co nhỏ cỡ hột mít, củ lớn cỡ hột sầu riêng, da đen, xù xì. Củ co nấu chín, lột vỏ, lộ ra lớp thịt màu vàng sậm, ăn có vị bùi, hơi ngậy. Củ co có nhiều nhất từ tháng giêng đến tháng tư, còn mùa nước nổi rất ít.
  13. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  14. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  15. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  16. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  17. Đèn tọa đăng
    Đèn dầu để bàn cũ.

    Bộ sưu tập đèn tọa đăng hơn 100 năm tuổi của nhà sưu tầm Nguyễn Quang Mạnh

    Bộ sưu tập đèn tọa đăng hơn 100 năm tuổi của nhà sưu tầm Nguyễn Quang Mạnh

  18. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  19. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  20. Trần Quang Châu
    Cũng gọi là Trương Giao, một tướng nhà Lê vào thế kỉ 18. Ông đã cùng tướng nhà Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm giao chiến nhiều trận ở cửa sông Đuống. Năm 1789, khi quân Thanh sang nước ta, ông dẫn quân Thanh đánh Tây Sơn. Quân Thanh đại bại, ông chạy lên Yên Thế phối hợp với Dương Đình Tuấn, sau bị tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng bắt sống và hành quyết năm 1792.
  21. Dương Đình Tuấn
    Cũng gọi là Dáo Mao tuần lĩnh, người huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là tướng nhà Lê, nhiều lần lập công và được Lê Chiêu Thống phong làm trấn thủ Kinh Bắc, Thái Nguyên. Về sau, ông bị quân Tây Sơn bao vây và chết trong rừng Yên Thế.
  22. Có phúc thì gặp Trương Giao, vô phúc thì gặp Dáo Mao tuần lĩnh
    Trong hành quân, so với Trương Giao (Trần Quang Châu), Dáo Mao tuần lĩnh (Dương Đình Tuấn) thường chém giết tùy tiện hơn.
  23. Vũ Mao
    Có tài liệu cho là Vũ Văn Nhậm, tướng nhà Tây Sơn. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm ra tư liệu về tên gọi này.
  24. Gá bạc
    Tổ chức đánh bạc.
  25. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.