Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  2. Miệng lằn lưỡi mối
    Miệng con thằn lằn và lưỡi con rắn mối, nghĩa bóng chỉ lời ra tiếng vào, lời nói thêm nói bớt của kẻ hạ tiện.
  3. Củ đậu
    Một loại cây dây leo cho củ to, bột, nhiều nước, vị ngọt, thường được ăn sống, đôi khi được chấm muối hoặc với nước chanh và ớt bột. Người ta cũng nấu củ đậu dưới dạng xúp, món xào. Miền Trung và miền Nam gọi củ đậu là sắn dây hoặc sắn nước.

    Củ đậu

    Củ đậu

  4. Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị rắn độc cắn, lấy lá sắn dây tươi giã vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết rắn cắn, có thể chữa được.
  5. Bạc Liêu
    Một địa danh thuộc miền duyên hải Nam Bộ. Vùng đất này từ xưa đã là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau: người Hoa, người Việt, người Khmer, người Chăm... Tên gọi “Bạc Liêu,” đọc giọng Triều Châu là "Pô Léo," có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Ý kiến khác lại cho rằng "Pô" là "bót" hay "đồn," còn "Liêu" có nghĩa là "Lào" (Ai Lao) theo tiếng Khmer, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Người Pháp thì căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu mà gọi vùng đất này là Pêcherie-chaume có nghĩa là "đánh cá và cỏ tranh."
  6. Cá chốt
    Một loài cá có rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thịt có màu vàng óng hoặc trắng, dai và thơm, được chế biến thành rất nhiều món ngon hoặc để làm mắm. Cá chốt có ngạnh nhọn, đâm phải sẽ gây đau nhức. Tên gọi loài cá này bắt nguồn từ tiếng Khmer trey kanchos.

    Đọc thêm truyện Bắt cá chốt của tác giả Trần Văn.

    Cá chốt kho

    Cá chốt kho

  7. Triều Châu
    Một địa danh nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong lịch sử, người Triều Châu đến định cư và lập nghiệp tại Việt Nam từ rất sớm, và có ảnh hưởng rõ nét đến đời sống văn hóa - xã hội của nước ta, rõ nhất là về mặt ngôn ngữ và ẩm thực. Cái tên Triều Châu còn được gọi chệch đi là "Sìu Châu," "Tiều Châu" hoặc "Thiều Châu."

    Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được
    Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa

    (Sắm Tết - Tú Xương)

  8. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  9. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  10. Phá Cầu Hai
    Tên một cái phá trong hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước đây phá Cầu Hai là một nơi hiểm trở, tàu bè qua lại rất khó khăn.

    Đầm phá Cầu Hai

    Đầm phá Cầu Hai

  11. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  12. Bất nhân
    Không có tính người, tàn ác (từ Hán Việt).
  13. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  14. Tân biến vi toan
    Chữ tân 辛 biến thành chữ toan 酸, một quan niệm lí số, theo đó những người thuộc can Tân (Tân Mùi, Tân Tỵ, Tân Mẹo, Tân Sửu, Tân Hợi, Tân Dậu) thường gặp nhiều chua cay (toan) trong cuộc đời. Tân biến vi toan là một trong Thập can chiết tự:

    Giáp 甲 biến vi điền 田
    Ất 乙 biến vi vong 亡
    Bính 丙 biến vi tù 囚
    Đinh 丁 biến vi vu 于
    Mậu 戊 biến vi quả 寡
    Kỷ 己 biến vi ân 殷
    Canh 庚 biến vi cô 孤
    Tân 辛 biến vi toan 酸
    Nhâm 壬 biến vi vương 王
    Quý 癸 biến vi thiên 天

  15. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  16. Măng vòi
    Măng mọc ra từ nhánh tre (thay vì từ gốc), có thể dùng làm thức ăn như măng chua.

    Măng vòi

    Măng vòi

  17. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  18. Lấy nhôn
    Lấy chồng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  19. Cháy
    Lớp cơm sát đáy nồi bị sém vàng đóng thành mảng.
  20. Quạt mo
    Quạt làm bằng mo cau. Sau khi cau trổ bông, tàu cau úa vàng rồi rụng xuống, được người ta nhặt đem phơi khô, ép thẳng rồi cắt thành hình chiếc quạt vừa tay cầm.

    Chiếc quạt mo

    Chiếc quạt mo

  21. Hạch: sát hạch.
  22. Hàm Nghi
    (3 tháng 8 năm 1871 – 4 tháng 1 năm 1943), vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Hàm Nghi là vị vua yêu nước, chủ trương chống Pháp. Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt và đày sang Alger (thủ đô xứ Algérie), tại đây ông sống đến năm 1943 thì qua đời vì bệnh ung thư dạ dày.

    Vua Hàm Nghi

    Vua Hàm Nghi

  23. Đồng Khánh
    (19 tháng 2, 1864 – 28 tháng 1, 1889) Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là vị vua không chống Pháp, "tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp" (theo sách của Trần Trọng Kim). Vua Đồng Khánh ở ngôi chỉ được ba năm thì bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12, khi mới 24 tuổi.

    Vua Đồng Khánh

    Vua Đồng Khánh

  24. Mạnh
    Mệnh (phương ngữ).
  25. Toàn quyền Đông Dương
    Chức vụ đứng đầu trong liên bang Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.
  26. Đầm
    Gọi tắt của me đầm hoặc bà đầm, từ tiếng Pháp madame, nghĩa là quý bà. Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, thường có ý chế giễu, đả kích.
  27. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  28. Ngụ cư
    (Người) từ nơi khác đến và sinh sống ở nơi không phải là quê hương của mình.
  29. Chánh chi
    Những chi họ định cư chính thức lâu đời tại một làng, một địa bàn nào đó, để phân biệt với dân ngụ cư là những người mới đến lập nghiệp.
  30. Bụ
    (Nói về trẻ con) mập mạp, đẫy đà.
  31. Châu chấu
    Loại côn trùng nhỏ, chuyên ăn lá, có cánh màng, hai chân sau rất khỏe dùng để búng.

    Châu chấu

    Châu chấu

  32. Tương truyền câu này nói về việc quân nhà Lý dưới sự lãnh đạo của Thái úy Lý Thường Kiệt đánh bại quân xâm lược nhà Tống (1075-1077).
  33. Chàm
    Màu xanh gần với xanh lam và tím. Có một loại cây tên là cây chàm, được dùng để chế thuốc nhuộm màu chàm, được sử dụng để nhuộm vải. Thuốc nhuộm màu chàm cũng gọi là chàm. Việc nhuộm vải màu chàm cũng gọi là nhuộm chàm.

    Nhuộm chàm

    Nhuộm chàm