Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  2. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  3. Ve
    Cũng thường được gọi là ve sầu, là loài côn trùng có hai cánh dài, mỏng, nhiều vân. Con đực kêu ve ve suốt mùa hè. Trong văn chương, xác ve hay mình ve thường được dùng để chỉ tấm thân gầy gò, khô héo.

    Ruột tằm ngày một héo hon
    Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve

    (Truyện Kiều)

    Con ve sầu

    Con ve sầu

  4. Sâu róm
    Một số nơi gọi là sâu rọm, tên chung của nhiều loại sâu có lông rậm. Lông sâu róm thường có chất độc, người bị chích phải sẽ bị ngứa ngáy hoặc đau nhức ở vùng da tiếp xúc, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.

    Sâu róm

    Sâu róm

  5. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  6. Mẩy
    To lớn, nở nang (thường dùng để nói về trái cây hay hạt).
  7. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  8. Nạp tài
    (Nhà trai) đem đồ sính lễ và một số tiền đến để nhà gái tổ chức đám cưới. Cũng gọi là nạp tệ, hoặc nộp tài.
  9. Gia tộc
    Dòng họ (từ Hán Việt).
  10. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  12. Suối Đục
    Tên chữ là Trược Tuyền, một con suối ở Bình Định, phát nguyên từ huyện Phù Cát rồi chảy vào sông Gò Găng. Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định: Nước suối hơi ngà ngà như nước vo gạo. Do đó mà mệnh danh. Suối chảy giữa khoảng đồng trống gò hoang, phong cảnh không có chi lạ. Duy tại Thuận Hạnh, gần đường cái đi, có hai bụi tre lâu đời mọc ở hai bên bờ suối phía Nam phía Bắc. Hai ngọn giao liên, hợp thành một cái nhà tạm thiên nhiên, bóng lồng nước mát. Dưới gốc tre phía Bắc, nổi lên một ụ gò mối vừa to vừa cao. Bò trâu qua lại hằng ngày, cạ lưng vào hoặc lấy sừng hút, năm này sang năm nọ, chân gò mối bị lõm sâu vào thành một mái hiên.

    Đã có "nhà tạm tre" lại có "mái hiên gò mối" đủ che mưa tủ nắng, nên khách bộ hành gặp lúc mưa to nắng dữ, thường ghé vào đụt cho qua cơn. Bởi vậy suối cũng có tên nữa là Suối Đục.

  13. Đụt
    Trú mưa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  15. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  16. Lập thân
    Tu dưỡng, học tập cho nên người có tài có đức.
  17. Phong vân
    Phong: gió, vân: mây. Gặp hội phong vân, tức Tế hội phong vân 際會風雲, chỉ sự kẻ hiền tài gặp thời được dùng, công danh hiển đạt. Kinh Dịch: "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thuỷ lưu thấp, hoả tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ" (Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô, mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật trông vào).
  18. Tay kiếm tay cờ
    Một tay cầm kiếm, một tay cầm cờ. Chỉ việc bình định giang sơn, lập nên sự nghiệp lớn.

    "Chúa của ta, tay kiếm, tay cờ mà làm nên sự nghiệp, trong khi nhà ngươi đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, lại bị chúa công ta đánh cho không còn mảnh giáp. Đem so với chúa của ta, nhà ngươi chẳng qua là nước vũng so với ao trời." (Lời Bùi Thị Xuân trả lời câu hỏi của Nguyễn Ánh "Ta so với chúa ngươi ai hơn ai?", trích từ sách Nhà Tây Sơn - Quách Tấn, Quách Giao).

  19. Lách
    Cũng gọi là đế, một dạng lau sậy mọc thành bụi hoang, thân nhỏ lá cứng, có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Lách

    Lách

  20. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  21. Đô đốc
    Tên một chức quan chuyên trách về quân sự trong thời phong kiến. Tùy theo từng thời kì mà chức đô đốc có những quyền hạn khác nhau, nhưng đều là cấp cao (ví dụ đứng đầu bên võ).
  22. Quận công
    Một tước hiệu thời phong kiến trong lịch sử nước ta, phổ biến nhất vào thời vua Lê - chúa Trịnh. Khi ấy quận công được xếp chỉ sau vua, chúa và vương.
  23. Chay
    Một loại cây to cùng họ với mít, được trồng ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng rừng núi miền Trung. Quả chay có múi, khi chín có màu vàng ươm, ruột màu đỏ, vị chua, có thể ăn tươi hoặc dùng kho với cá, cua. Vỏ hoặc rễ cây dùng để ăn trầu hoặc làm thuốc nhuộm.

    Quả chay

    Quả chay

  24. Phú Quốc
    Được mệnh danh là đảo Ngọc, hòn đảo lớn nhất nước ta, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc có nhiều bãi biển rất đẹp, thu hút nhiều khách du lịch. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản hồ tiêu có vị cay nồng rất riêng.

    Bãi biển Phú Quốc

    Bãi biển Phú Quốc

  25. Côn Sơn
    Cũng gọi là Côn Lôn hoặc Côn Nôn, tên hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây từ thời Pháp thuộc đã có nhà tù Côn Đảo để giam giữ tù chính trị, khét tiếng dã man và tàn bạo. Dưới chế độ nhà tù Côn Đảo, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã chết và được chôn cất tại Nghĩa trang Hàng Dương.

    Tượng người tù tại Côn Đảo

    Tượng người tù tại Côn Đảo

  26. Phồn
    Bè lũ, bọn (cũng như phường).
  27. Lồng mốt, lồng hai
    Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai