Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cẩm lai
    Một loại cây cao, tán rộng, cho gỗ rất cứng. Gỗ cẩm lai là một loại gỗ quý, được khai thác để làm nhà cửa, bàn ghế, đồ thủ công mĩ nghệ...

    Bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai

    Bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai

  2. Song đường
    Thung đườnghuyên đường, chỉ cha và mẹ (từ Hán Việt).
  3. Mai dong
    Người làm mai, được xem là dẫn (dong) mối để trai gái đến với nhau trong việc hôn nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  5. Sịa
    Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:

    - Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
    - Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
    - Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.

  6. Câu này xuất phát từ câu: "Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về" là câu người Huế chọc ghẹo dân Sịa vì họ thường hay khoe về làng mình (ở Huế còn có thành ngữ "Nhứt Huế nhì Sịa").
  7. Láo thiên
    Tương tự "láo địa", cùng nghĩa là nói tào lao, nói dóc trên trời dưới đất
  8. Bọ hung
    Một loài bọ cánh cứng ăn phân, đầu có râu và sừng cứng chắc, ngực gắn 6 chân.

    Bọ hung

    Bọ hung

  9. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  10. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  11. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  12. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  13. Bù loong
    Cũng gọi là bu lông (từ tiếng Pháp boulon), một sản phẩm cơ khí dạng hình thanh trụ tròn, tiện ren, dùng để lắp ráp, ghép nối, liên kết các chi tiết rời rạc thành một hệ thống hoàn chỉnh.

    Bù loong

  14. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  15. Trái bắp (ngô)

    Trái bắp (ngô)

  16. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  17. Bừa
    Nông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.

    Đi bừa ruộng với chiếc bừa

    Bừa ruộng

  18. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  19. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  20. Bất Căng
    Địa danh nay thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền trước đây nhà Minh đặt đồn ở vùng này, đặt tên là Đa Căng, có ý khoe khoang quân số. Sau khi hạ đồn (Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Mùa Thu, tháng Chín, ngày 20, vua chỉ huy quân và voi đánh úp đồn Đa Căng, phá được đồn này"), Lê Lợi đặt lại tên vùng là Bất Căng, hàm ý "không sợ."
  21. Năng
    Loại nồi bằng đồng (phương ngữ Thanh Hóa).
  22. Trà Đông
    Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
  23. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  24. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  25. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  26. Lầu Ông Hoàng
    Một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp nhất ở Bà Nài, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là một biệt thự do một ông hoàng người Pháp tên là Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I, xây để nghỉ mát khi qua đây du lịch vào năm 1911. Địa danh này còn gắn liền với cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử.

    Tòa nhà đã bị đánh sập hoàn toàn trong chiến lược "Tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh, hiện nay gần như không còn dấu tích.

    Phế tích lầu Ông Hoàng

    Một lô cốt Pháp xây gần nền Lầu Ông Hoàng cũ

  27. Ba Hộ
    Tên khác của làng An Hải, nằm bên tả ngạn sông Cà Ty. Hiên nay làng thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  28. Tương truyền khi lầu Ông Hoàng xây xong thì làng Ba Hộ mắc bệnh dịch, sau đó là lụt lội làm chết rất nhiều người. Dân gian cho rằng chính ông Hoàng đã gây nên tai vạ ấy.
  29. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  30. Hệ giáo dục phổ thông miền Bắc từ năm 1956 đến năm 1985 chia làm ba cấp: cấp I bốn năm, cấp II và cấp III mỗi cấp ba năm, tổng cộng là mười năm.
  31. Nam đáo nữ phòng
    (Chữ Hán) Con trai đến phòng của con gái. Nguyên văn:

    Nam đáo nữ phòng nam tất đãng
    Nữ đáo nam phòng nữ tất dâm

    (Con trai đến phòng của con gái thì là người phóng đãng, không đứng đắn
    Con gái đến phòng của con trai thì là người dâm dật).

    Đây là một trong những lễ giáo khắc nghiệt thời phong kiến.