Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  2. Doi
    Phần bãi ở biển hoặc sông hồ nhô ra mặt nước, được tạo thành từ cát và bùn đất do sóng bồi vào.

    Doi cát ở Trường Sa

    Doi cát ở Trường Sa

  3. Vịnh
    Phần biển ăn sâu vào đất liền, có cửa mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể.

    Vịnh Cam Ranh thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

    Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

  4. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  5. Đinh Văn Nhưng
    Tục danh là ông Chảng, một nhân vật lịch sử của Bình Định. Ông sinh ở làng Bằng Châu, nay thuộc phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, là bạn của ông Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em nhà Tây Sơn), đồng thời là thầy dạy võ của Nguyễn Nhạc. Khi Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, muốn ban chức cho ông, ông trả lời “Ông làm vua là làm vua với thiên hạ, chứ với tôi, ông vẫn là con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho cha ông thì hơi nghịch, chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn...”. Vua đồng ý, ông Nhưng cầm bút viết 4 câu chữ Nôm

    Bùng binh chi tướng
    Uýnh cướng chi quan
    Bộn bàng chi chức
    Chảng chảng ngang thiên

    Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch dịch nghĩa 4 câu này là "Tướng lớn/ Quan to khiến người được phong mừng quýnh lên/ Chức nhiều/ Chảng ngang hàng với trời."

    Câu chuyện ông Chảng tự phong chức cho mình, cùng với câu "Chảng chảng ngang thiên," dần tạo nên câu nói "Ngang quá ông Chảng," chỉ những người có tính cách ngang bướng.

    Ông Chảng về làng

    Ông Chảng về làng

  6. Bát đàn
    Bát nông lòng, làm bằng đất nung thô có tráng men, thời xưa thường dùng.
  7. Có bản chép: Ai ơi đừng phụ bát đàn.
  8. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  9. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  10. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Mi
    Mày, ngôi thứ hai số ít để xưng hô thân mật, suồng sã ở các tỉnh miền Trung.
  12. Nhi
    Mà (tiếng Hán 而).
  13. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  14. Lễ hội Cổ Loa
    Hay còn gọi lễ hội An Dương Vương, được tổ chức từ mồng sáu tháng giêng hàng năm ở đền thờ An Dương Vương (đền Thượng) thuộc xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nhiều hoạt động vui chơi, biểu diễn nghệ thuật truyền thống diễn ra trong suốt thời gian lễ hội như hát ca trù, hát tuồng, đánh cờ, đánh đu, đấu vật, đánh đáo đánh mẹt, chọi gà, cờ người, bắn cung...

    Hội Cổ Loa

    Hội Cổ Loa

  15. Phú
    Giàu (từ Hán Việt).
  16. Châu chấu
    Loại côn trùng nhỏ, chuyên ăn lá, có cánh màng, hai chân sau rất khỏe dùng để búng.

    Châu chấu

    Châu chấu

  17. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng

  18. Tương truyền bài ca dao ra đời hưởng ứng chiếu "Cần Vương" của vua Hàm Nghi.
  19. Có bản chép: Đầu làng con chó sủa dai.
  20. Nguyệt sơn đài
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nguyệt sơn đài, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  21. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  22. Quỳnh tương
    Lấy từ Quỳnh tương ngọc dịch. Quỳnh là ngọc đẹp, còn tươngdịch là cách gọi chất lỏng. Thành ngữ này có nghĩa là "rượu làm bằng ngọc đẹp." Người xưa cho rằng rượu làm từ ngọc ra mà uống thì có thể thành tiên. Quỳnh tương vì thế chỉ loại rượu rất quý.

    Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
    Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân

    (Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến)

  23. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  24. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.