Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép: áng.
  2. Đắc Lực
    Tên nôm là làng Xứng, nay thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tại đây có lễ hội làng Xứng, mở vào ngày mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng của những năm được mùa. Nét nổi bật của hội Xứng là mọi đồ thờ tế tự từ long, ly, quy, phụng cho đến cây cảnh, cổng chào... đều được làm bằng rơm. Làng lại làm riêng hai chú voi to như voi thật, dùng bùi nhùi làm vòi, làm đuôi. Tất cả được mang ra đình gọi là "đình Đụn" (đình bằng rơm).
  3. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  4. Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non
    Truyền thuyết ta kể Cao Biền có phép thuật "tản đậu thành binh." Khi cần quân lính, Cao Biền chỉ gieo đậu vào đất, ủ kín một thời gian, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thiếu thần chú, lúc mở ra những hạt đậu cũng thành binh nhưng còn non, chưa đủ sức nên đi lẩy bẩy.

    Một truyền thuyết khác lại kể rằng: khi sang nước Nam để yểm bùa và triệt hạ long mạch, Cao Biền có nuôi 100 âm binh. Đến nước Nam, Cao Biền ở trọ nhà một bà hàng nước và nhờ bà mỗi ngày thắp một nén hương, gọi dậy một âm binh. 100 ngày thắp đủ 100 nén hương sẽ gọi dậy được 100 âm binh. Bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền, giả vờ quên, thắp cả 100 nén hương trong một ngày. Kết quả là 100 âm binh của Cao Biền đã dậy đủ nhưng mà dậy non, thiếu ngày nên chẳng hiệu quả gì.

  5. Hẩm
    Cũng như hẩm hiu, nghĩa là thiệt thòi. Thường dùng để nói về số phận, duyên phận (hẩm duyên, hẩm phận).
  6. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  7. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  8. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  9. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  10. Nhảy ngoi
    Nhảy lên khỏi mặt nước.
  11. Mướp
    Cũng gọi là mướp ta hay mướp gối, loại cây thân leo cho hoa màu vàng, quả dài, khi già thì khô thành xơ. Thân, lá, hoa và quả đều dùng làm rau ăn được. Có loại mướp hương cho quả có mùi thơm đặc biệt.

    Giàn mướp

    Giàn mướp

  12. Bỏ ngọn
    (Dây leo) vươn ngọn để bò ra xa hơn. Chữ bỏ có gốc từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra.
  13. Nhà Bè
    Tên một đoạn sông ngắn và cũng là tên một huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đoạn sông Nhà Bè bắt đầu ở nơi giao nhau giữa sông Sài Gònsông Đồng Nai, chảy xuôi về phía Nam khoảng 12 km thì lại chia hai thành sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Xưa kia, tại khúc sông này, việc đi lại rất khó khăn, vì lòng sông rộng và nước chảy xiết. Ghe thuyền phải neo lại, đợi khi nào thuận lợi mới đi tiếp. Một phú hộ tên Võ Thủ Hoằng (thường gọi Thủ Huồn), nhằm chuộc lại tội lỗi trước đây, đã làm phước kết tre làm bè và cất nhà ở trên sông, chứa sẵn củi, gạo, nước ngọt để giúp khách đi đường thuỷ khỏi bị đói. Sau đó, nhiều người buôn bán cũng kết hàng chục chiếc bè, tạo thành chợ nổi trên sông. Vì vậy mới có địa danh Nhà Bè.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ  máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên trái là sông Sài Gòn.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên phải là sông Sài Gòn.

  14. Ăn chè Nhà Bè
    Cách nói dí dỏm chỉ các vụ ngoại tình, phổ biến ở miền Nam ngày trước. Câu thành ngữ ra đời từ một vụ ngoại tình có thật: năm 1956, nhạc sĩ Phạm Duy ngoại tình với ca sĩ Khánh Ngọc, cả hai bị bắt quả tang ở khu Nhà Bè, khi bị hỏi đang làm gì thì họ trả lời là đang ăn chè.
  15. Có bản chép: mần.
  16. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  17. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  18. Đồng đen
    Hợp kim đồng và thiếc, màu đen bóng, thường dùng để đúc tượng.
  19. Phèn chua
    Một loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Người ta dùng phèn chua để đánh nước cho trong hoặc làm thuốc giữ màu trong quá trình nhuộm vải.

    Phèn chua

    Phèn chua

  20. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  21. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  22. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  23. Bõ công
    Đáng công.
  24. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  25. Dầu
    Để đầu trần (phương ngữ).
  26. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  27. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  28. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  29. Sau khi chinh phục toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, nhà Thanh bắt người Trung Quốc cạo nửa đầu và thắt bím để đồng hóa với người Mãn Châu. Nhiều người bất đồng đã bỏ nước ra đi, một số nhập cư vào Việt Nam.
  30. Tỉu nà ma
    Cách phát âm theo giọng Quảng Đông của cụm từ 屌你媽. Đây là một câu chửi tục, nghĩa là "đ. mẹ mày." Ở ta, cụm từ này đôi khi cũng được nói thành "tỉu nà ma cái nị."
  31. Thủ tiết
    Giữ trọn tiết nghĩa. Từ này thường được dùng cho người phụ nữ giữ trọn lòng chung thủy với chồng.
  32. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  33. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  34. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  35. Thạch tín
    Cũng gọi là nhân ngôn (vì chữ tín 信 gồm chữ nhân 亻và chữ ngôn 言 ghép lại), là tên gọi chung của một số hỗn hợp chứa chất Asen (Arsenic) và hợp chất của Asen với Oxy, rất độc, nhưng đồng thời là một vị thuốc trong đông y.
  36. Mã tiền
    Cây thân gỗ, cao tới 25 m, mọc hoang ở miền rừng núi. Hoa trắng hoặc vàng nhạt, có mùi thơm. Quả thịt hình cầu, có hạt dẹt như chiếc khuy áo. Hạt mã tiền (mã tiền tử) vị đắng, tính hàn, rất độc, được dùng trong đông y làm thuốc xoa bóp, chữa liệt nửa người, chó dại cắn, trị ghẻ...

    Lá và quả mã tiền

    Lá và quả mã tiền