Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Con nuôi ở đây nghĩa là những con vật nuôi (heo, gà, bò...)
  2. Chợ Hà Đông
    Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.

    Chợ Hà Đông hiện nay

    Chợ Hà Đông hiện nay

  3. Lính lệ
    Lính để hầu hạ và sai phái của các quan lại ở phủ, huyện của triều Nguyễn trước năm 1945. Lính lệ được tổ chức theo hệ thống hành chính, không thuộc hệ thống lực lượng vũ trang nên không có biên chế cố định và do một viên lại mục (chức quan đứng đầu nha thuộc ở phủ, huyện) chỉ huy.

    Lính lệ

    Lính lệ

  4. Một chức vụ trong quân đội.
  5. Măng
    Thân tre, trúc khi vừa nhú lên khỏi mặt đất, còn non, ăn được.

    Măng tre

    Măng tre

  6. Kim thằng Quỷ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim thằng Quỷ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  7. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  8. Đòi
    Đuổi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  9. Ròi
    Ruồi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Lần khân
    Lần lữa, dây dưa, kéo dài ra mà không chịu quyết định.

    Chày sương chưa nện cầu Lam,
    Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?

    (Truyện Kiều)

  11. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  12. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  13. Ứ hự
    Tiếng phát ra nghe nhự bị tắc nghẽn trong cổ họng, thường để tỏ ý không bằng lòng.
  14. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  15. Vạc
    Đồ dùng để nấu, giống cái chảo lớn và sâu, thường làm bằng đồng. Trong chế độ phong kiến, vạc và đỉnh tượng trưng cho quyền lực. Vua chúa ngày xưa thường cho đúc vạc và đỉnh để đặt trong hoàng cung.

    Cái vạc

    Cái vạc

  16. Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.

    Giấy dó

    Giấy dó

  17. Đãi bìa
    Một công đoạn làm giấy thủ công, người thợ dùng rá để đãi sạch con bìa (vỏ dó sau khi được nấu chín) trong nước ao.
  18. Yên Thái
    Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.

    Làng Bưởi ngày xưa

    Làng Bưởi ngày xưa

  19. Trượng
    Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
  20. Chợ Bưởi
    Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.

    Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.

    Chợ Bưởi ngày xưa

    Chợ Bưởi ngày xưa

  21. Điếm canh
    Nhà nhỏ thường dựng ở đầu làng hay trên đê, dùng làm nơi canh gác.

    Điếm canh đầu làng (Ảnh: Võ An Ninh)

    Điếm canh đầu làng (Ảnh: Võ An Ninh)

  22. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  23. Họa đồ
    Bức tranh vẽ cảnh vật, sông núi (từ Hán Việt).
  24. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  25. Chùa Thiên Niên
    Tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô - thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.

    Chùa Thiên Niên

    Chùa Thiên Niên

  26. Vọng cách
    Một loại cây mọc hoang có lá mọc đối, hình tim, mặt trên láng, mặt dưới có ít lông. Hoa nhỏ có màu trắng, mọc thành chùm. Quả tròn, cỡ đầu ngón tay, khi chín có màu đen. Lá có mùi thơm, thường dùng làm rau sống, nấu canh, cuốn thịt bò nướng…

    Cây cách

    Cây cách

  27. Chùa Tảo Sách
    Cũng gọi là chùa Tào Sách hay chùa Bà Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nổi tiếng ở về phía tây Hồ Tây, từ chợ Bưởi đi lên, nay thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Từ lâu chùa đã được công nhận là di tích văn hóa.

    Chùa Tảo Sách

    Chùa Tảo Sách

  28. Đa lông
    Một loại đa, lá có lông phủ trên bề mặt.
  29. Đông Xã
    Vốn là một thôn của làng Yên Thái, tách ra thành một xã độc lập từ đời Duy Tân (1907 - 1915), nay thuộc cụm 4 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thời Lê, làng nằm trong phường Yên Thái của Kinh thành Thăng Long; thời Nguyễn thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đây là một làng cổ ở ven hồ. Tục truyền thời Hùng Vương đã có dân sinh cơ lập nghiệp. Dân làng Đông Xã có nghề làm giấy dó từ rất lâu đời.
  30. Làng Cót
    Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.

    Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.

    Vàng mã ở làng Cót

    Vàng mã ở làng Cót

  31. Trung Nha
    Tên nôm là làng Nghè, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.
  32. An Phú
    Một làng trước thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là làng nghề nấu mạch nha truyền thống một thời nức tiếng.
  33. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  34. Làng Vòng
    Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.

    Cốm làng Vòng

    Cốm làng Vòng

  35. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  36. Họ Lại
    Một họ ở làng Trung Nha, xã Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, họ Lại chuyên làm giấy lệnh cho triều đình phong kiến viết sắc chỉ.
  37. Sắc
    Tờ chiếu lệnh của vua ban cho quan dân dưới thời phong kiến.

    Sắc chỉ của vua Minh Mạng về Hoàng Sa

    Sắc chỉ của vua Minh Mạng về Hoàng Sa

  38. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  39. Giú
    Giấu (phương ngữ Trung Bộ), cách ép cho chín một số loại trái cây như mít, chuối, vú sữa, mãng cầu... bằng cách lèn rơm, ủ cho ấm. Thường chỉ trái cây đã già mới được giú. Trái cây còn non mà giú thì gọi là giú ép, và khi chín thì gọi là chín ép.
  40. Lụy sa cúc dục
    Nước mắt rơi (lụy sa) vì nghĩ công nuôi nấng (cúc dục) của cha mẹ.
  41. Trần ai
    Vất vả, khổ sở.
  42. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Không vãng nỏ lai
    Không qua không lại.
  44. Rứa răng
    Thế sao (phương ngữ miền Trung).
  45. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  46. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  47. Chạ
    Hỗn tạp, chung lộn.
  48. Mình ve
    Mình gầy như xác con ve.
  49. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  50. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  51. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  52. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  53. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  54. Bõ công
    Đáng công.
  55. Nghi vệ
    Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

  56. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  57. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  58. Ngả
    Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
  59. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  60. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  61. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  62. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  63. Tam niên
    Ba năm (từ Hán Việt).
  64. Nhãn tiền
    Nhãn là con mắt. Tiền nghĩa là "trước." Nhãn tiền dịch nghĩa là "trước mắt," thấy ngay nhãn tiền nghĩa là xảy ra ngay lập tức.