Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ải
    Cày lật đất lên, tháo hết nước đi để cho đất phơi nắng. Ải đất trong canh tác nông nghiệp có mục đích khử trùng đất, giảm bớt các tác nhân gây bệnh cho hoa màu trong đất.

    Cày ải đất

    Cày ải đất

  2. Dầm
    Cày đất, tháo nước vào để ngâm đất.
  3. Phơi đất ải kĩ không bằng dầm đất cho thật tơi ra.
  4. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  5. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  6. Chim
    Ve vãn, tán tỉnh.
  7. Long Thần
    Thần rồng trong thần thoại Ấn Độ, tiếng Sanskrit là नागराज Nāgārāja (nghĩa là vua rồng) . Trong thần thoại Phật giáo, Long Thần có chức năng hộ trì Phật pháp, bảo vệ chùa chiền và người tu hành. Vì thế, nhiều chùa chiền thường có tượng Long Thần.

    Tượng Long Thần ở chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

    Tượng Long Thần ở chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

  8. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  9. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  10. Hà Bá
    Vị thần cai quản sông trong tín ngưỡng đạo giáo. Xưa kia ven sông thường có đền thờ Há Bá để cầu cho mọi người không gặp nạn trên sông và bắt được nhiều cá trong mùa mưa. Hà Bá thường được miêu tả là một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm một cây gậy phất trần với một bầu nước uống, ngồi trên lưng một con rùa và cười vui vẻ.

    Một hình vẽ Hà Bá theo truyền thuyết

    Một hình vẽ Hà Bá theo truyền thuyết

  11. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  12. Thích Ca
    Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.

    Phật Thích Ca

    Phật Thích Ca

  13. Lang bạt kì hồ
    Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó. Thành ngữ này vốn là một câu trong Kinh Thi:

    Lang bạt kì hồ
    Tái trí kì vĩ
    Công tốn thạc phu
    Xích tích kỉ kỉ

    Theo đó lang bạt kì hồ có nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm cổ của nó” (nên lúng túng không đi tới được). Tuy nhiên, nghĩa gốc này hiện nay không nhiều người biết đến, và tuyệt đại đa số hiểu theo nghĩa "lang thang nay đây mai đó." Theo học giả An Chi: Không biết được ý nghĩa đích thực của câu đang xét, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết: “lang” với “lang thang”, “bạt” với “phiêu bạt”, “hồ” với “giang hồ”, chẳng hạn. Thế là thành ra cái nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó.”

  14. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Cất vừa có nghĩa nhấc lên (như trong cất cánh, cất vó) vừa có nghĩa mang bỏ vào một chỗ (như trong cất giấu).
  16. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  17. Cá nheo
    Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.

    Cá nheo

    Cá nheo

  18. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  19. Người có chức vị trong làng xã ngày xưa.
  20. Hà Lờ
    Một địa danh thuộc quận Hiếu Xương trước đây, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  21. Vịt
    Một loại giỏ tre đan theo hình con vịt, dùng để đựng tôm cua, cá...
  22. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  23. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  24. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  25. Hàng vây (gai) cứng trên sống lưng cá (từ Hán Việt).
  26. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  27. Chợ Cống
    Một cái chợ được lập từ đầu thế kỉ XX, thuộc phường Phú Hội, thành phố Huế.

    Chợ Cống

    Chợ Cống

  28. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  30. Năm xung tháng hạn
    Thời kì gặp nhiều rủi ro, tai họa, theo quan điểm về lí số. Ví dụ, những người sinh vào năm thân thì dễ gặp xui xẻo trong những "năm xung" là Dần, Thân, Tị, Hợi.
  31. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  32. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  33. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  34. Chân ướt chân ráo
    Vừa mới đến. Nghĩa đen chỉ người vừa đi thuyền (ngày xưa đi xa chỉ có cách đi thuyền) ở xa mới tới, lên bộ một chân còn ướt, một chân còn ráo.
  35. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  36. Cửu Long
    Tên một con sông lớn ở miền Tây Nam Bộ. Gọi là Cửu Long (chín rồng) vì sông đổ ra biển bằng chín cửa: Định An, Ba Thắc, Tranh Đề, Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và Ba Lai.
  37. Sông Đồng Nai
    Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.

    Một nhánh sông Đồng Nai

    Một nhánh sông Đồng Nai

  38. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.