Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trành
    Lưỡi gươm hoặc lưỡi dao cùn và không còn phần cán.
  2. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  3. Can dạ
    Lòng dạ (can nghĩa là gan, từ Hán Việt).
  4. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  5. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  6. Thức nhấp
    Thức ngủ, tỉnh giấc (từ cũ). Cũng viết là thức nhắp.
  7. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Rầu
    Buồn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Mẫu thân
    Mẹ (từ Hán Việt).
  10. Đệ
    Em trai (từ Hán Việt).
  11. Huynh
    Anh trai (từ Hán Việt).
  12. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Theo tín ngưỡng dân gian, nhện sa xuống trước mắt là điềm báo sắp có tin, nhưng tin may mắn hay xui xẻo thì còn nhiều ý kiến khác nhau.
  14. Xẩm lai
    Người hát xẩm là con lai.
  15. Mi lai nhãn khứ
    Mắt qua mày lại, liếc mắt đưa tình.
  16. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  17. Bụng trống chầu
    Bụng to như trống chầu, thường để chỉ bụng chửa.
  18. Chó đen giữ mực
    Người ngoan cố, bảo thủ, không chịu nhận khuyết điểm của mình, hoặc có tật xấu không chịu sửa chữa.
  19. Kiềng
    Dụng cụ bằng sắt có ba chân, để đặt nồi, chảo lên khi nấu nướng.

    Kiềng ba chân

    Kiềng ba chân

  20. Vít
    Có thương tích; tì tích, chuyện xấu, đều hổ thẹn. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  21. Ngọc lành có vít
    Người tốt mấy cũng có tì vết, song không vì thế mà suy giảm giá trị.
  22. Đồng Hới
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Trước đây Đồng Hới có tên là Động Hải, là một làng nằm ven cửa sông Nhật Lệ, chuyên làm nghề đánh cá, làm mắm và nấu muối. Trải qua một thời kỳ dài trong lịch sử, đây là khu vực tranh chấp giữa Vương quốc Champa và Đại Việt. Lịch sử đô thị Đồng Hới có lẽ được tính từ thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng vượt dãy Hoành Sơn để tránh bị chúa Trịnh tiêu diệt vào cuối thế kỉ 16.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  23. Lý Hòa
    Tên một làng biển thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đèo Lý Hòa và làng Lý Hòa là một quần thể danh thắng thiên nhiên được Bộ văn hóa thông tin công nhận là "Di tích thắng cảnh" cấp quốc gia, cùng với Đèo Ngang là những danh thắng thiên nhiên của tỉnh này.
  24. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  25. Đãi bôi
    (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
  26. Đau chóng dã chầy
    Đau ốm có khi phải lâu mới khỏi (dã chầy). Thường để động viên người bệnh không nên sốt ruột khi thấy bệnh lâu hết.