Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  2. Cầm
    Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
  3. Sáo
    Còn gọi là mành sáo, là tấm đan bằng tre, có nan to, thường treo trước nhà hoặc gần cửa sổ để che nắng. Sáo cũng có thể được treo trước bàn thờ.

    Mành sáo

    Mành sáo

  4. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  5. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  7. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  8. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  9. Đào tơ
    Do tiếng Hán Đào yêu, tên một bài thơ trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Tạ Quang Phát dịch:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    Văn học cổ thường dùng những chữ như đào non, đào tơ, đào thơ, đào yêu... để chỉ người con gái đến tuổi lấy chồng.

  10. Vú sữa
    Loại cây trồng lớn nhanh, thân dẻo, tán rộng. Trái vú sữa to khoảng một nắm tay, da màu xanh, khi chín chuyển sang màu hồng nhạt, tía hoặc nâu ánh lục, vỏ nhiều mủ. Vú sữa hiện có rất nhiều giống như vú sữa Lò Rèn, vú sữa nâu tím, vú sữa vàng. Trong đó, giống vú sữa Lò Rèn được trồng nhiều nhất vì có vỏ mỏng, sáng bóng rất đẹp, thịt trái nhiều, hương vị thơm ngọt. Cây vú sữa được trồng nhiều ở miền Nam nước ta, nhất là ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau và một số tỉnh khác ở miền Trung và miền Bắc. Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam năm 2013, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới xuất khẩu trái vú sữa.

    Trái vú sữa

    Trái vú sữa

  11. Vạc
    Giát giường bằng tre, gỗ, hay giường đóng bằng tre (phương ngữ). Có nơi đọc là vạt.
  12. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  13. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  14. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  15. Nửa chầu
    Nửa chừng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Lăng líu
    Dan díu tình cảm trai gái (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Lúc thì không có (lồn ra), lúc thì quá nhiều, thừa mứa (ba váy), hoặc lúc thì cẩu thả, lúc thì quá cẩn thận.
  18. Có bản chép: dòm.
  19. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  20. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  21. Đồng Lau
    Tên một làng nay thuộc xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  22. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  23. Hòa Đa
    Tên một thôn nay thuộc địa phận xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có món bánh tráng Hòa Đa mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua và ít bị dính khi nhúng nước để cuốn thức ăn, là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Bánh tráng Hòa Đa

    Bánh tráng Hòa Đa

  24. Cơi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cơi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  25. Bầu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bầu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  27. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  28. Vạn Giã
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vạn Giã là vựa lúa lớn nhất tỉnh Khánh Hoà. Về du lịch, nơi đây có chùa Tổ đình Linh Sơn gần 300 tuổi, hằng năm có rất nhiều khách thập phương về dự lễ hội. Vịnh Vân Phong và bãi biển Đại Lãnh cũng thuộc khu vực này.

    Biển Đại Lãnh

    Biển Đại Lãnh

  29. Yến sào
    Tổ chim yến, được hình thành bằng nước bọt của chim yến, tìm thấy trên các vách đá nơi chim ở. Yến sào có hình dạng như chén trà bổ đôi, là thực phẩm rất bổ dưỡng nên từ xưa đã được coi là một món cao lương mĩ vị. Ở nước ta, yến sào nổi tiếng nhất có lẽ là ở Khánh Hòa.

    Yến sào

    Yến sào

  30. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  31. Văn thân
    Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
  32. Thượng Bắc
    Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
  33. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  34. Án thư
    Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
  35. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  36. Cá trắm
    Tên một loài cá thuộc họ Cá chép phổ biến ở nước ta, sống trong ao hồ, ưa nước sạch. Cá trắm được chế biến thành nhiều món ăn dân dã.

    Cá trắm đen

    Cá trắm đen

  37. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  38. Con rồng của dân gian gắn liền với mây, mưa, sấm, chớp. Rồng được xem là con vật linh thiêng có thể làm mưa, hút nước. Nhân dân ta thường gọi hiện tượng cột nước xoáy bốc lên từ biển Đông là "vòi rồng" hay "rồng cuốn nước."
  39. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  40. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  41. Dồi
    Đánh phấn cho dính vào da.
  42. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  43. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  44. Lườn
    Mặt bên cạnh của ghe thuyền.