Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Củ co
    Loại cây sống dưới nước thường mọc nơi bưng biền vào mùa mưa, nhiều nhất là vùng Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng… Cây có hình dáng giống như bông súng. Dây nhỏ hơn đầu mút đũa, lá bằng cỡ miệng chén, tròn, màu xanh nhạt ửng hồng, nổi trên mặt nước. Củ co nhỏ cỡ hột mít, củ lớn cỡ hột sầu riêng, da đen, xù xì. Củ co nấu chín, lột vỏ, lộ ra lớp thịt màu vàng sậm, ăn có vị bùi, hơi ngậy. Củ co có nhiều nhất từ tháng giêng đến tháng tư, còn mùa nước nổi rất ít.
  2. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  3. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  4. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  5. "Tuổi lên ba" và "tuổi lên hai" ở đây là các đốt tay. Bốn ngón nhỏ hơn có ba đốt mỗi ngón, riêng ngón cái (ông già) lại có hai đốt.
  6. Xôi nhiều quá ăn không hết, mang về rang lại ăn.
  7. Điêu Thuyền
    Một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc. Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví như "bế nguyệt" (khiến trăng xấu hổ phải giấu mình đi). Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Vương Doãn lập kế gả Điêu Thuyền cho Đổng Trác hòng li gián Trác với con nuôi là Lã Bố, kết cục Lã Bố giết Đổng Trác rồi sau lại bị Tào Tháo giết chết. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhân vật Điêu Thuyền trong lịch sử vẫn còn nhiều hoài nghi.

    Điêu Thuyền

    Điêu Thuyền

  8. Đổng Trác
    Một tướng nhà Hán đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người chuyên quyền, tham lam, tàn bạo và hiếu sắc. Tháng 4 âm lịch năm 192, khi vào cung yết kiến vua Hiến Đế, ông bị con nuôi là Lã Bố cho quân mai phục giết chết. Tin Đổng Trác bị giết truyền ra ngoài thành, mọi người đều reo hò vui mừng, cùng nhau ca hát. Xác ông bị bêu ở chợ, thân thể quá to béo nên mỡ chảy đầy đường. Nhân dân lấy bấc cắm vào rốn châm lửa cho cháy làm đèn, cháy mấy ngày mới tắt.

    Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, tác giả La Quán Trung hư cấu chi tiết quan tư đồ Vương Doãn dùng Điêu Thuyền làm mỹ nhân kế để li gián cha con Đổng Trác-Lã Bố.

  9. Lã Bố
    Cũng gọi là Lữ Bố, tự là Phụng Tiên, một tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ở nước ta, Lã Bố được biết tới chủ yếu qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, trong đó ông là một đại tướng vô cùng dũng mãnh, cưỡi ngựa Xích Thố, cầm phương thiên họa kích, có sức mạnh hơn cả Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... Ông cũng được mô tả là một người khôi ngô tuấn tú, sánh cùng đại mĩ nhân là Điêu Thuyền.

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

  10. Chợ Hà Đông
    Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.

    Chợ Hà Đông hiện nay

    Chợ Hà Đông hiện nay

  11. Quảng Minh
    Tên Nôm là Đại Sái, một làng thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Chợ ở làng cũng gọi là chợ Sái.
  12. Chợ Nủa
    Cũng phát âm sai thành chợ Lủa, một ngôi chợ trước đây thuộc kẻ Nủa, nay thuộc địa phận xã Binh Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là phiên chợ ở Thủ đô vẫn còn giữ được những nét đặc sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc bộ xưa. Chợ bán nhiều vật dụng truyền thống làm từ tre, nứa như đũa, tăm, mành che nắng, gàu nước...

    Chợ Nủa

    Chợ Nủa

  13. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  14. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  15. Chợ Trôi
    Một ngôi chợ hiện nay thuộc địa phận làng Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chợ họp vào ngày hai mươi sáu tháng chạp âm lịch, rất đông vui.
  16. Chợ Nghệ
    Một ngôi chợ có từ xưa, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, nổi tiếng là nơi buôn bán, chuyển nhượng trâu bò từ miền ngược về miền xuôi. Trước đây chợ họp theo phiên vào các ngày mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng. Vào năm 2005, chợ Nghệ bị cháy, sau đó chợ mới được xây dựng lại trên nền chợ cũ.

    Chợ Nghệ hiện nay

    Chợ Nghệ hiện nay

  17. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  18. Đoạn
    Một loại vải dày dệt từ tơ tằm. Đoạn cũng được dệt theo cách thức của lĩnh, nhưng dày hơn, sợi dọc nhiều hơn cả gấm. Đặc biệt sợi dọc, sợi ngang nổi đều nhau, mịn màng, óng ả. Đoạn dùng để may áo dài cho nam giới mặc vào những dịp long trọng. Do hàng đoạn dày nên người ta thường may áo đoạn bọc lụa bên trong mặc vào mùa lạnh.
  19. Chúc bâu
    Loại vải dệt khung tay, khổ 40 phân, dày, cứng và bền.
  20. Sơn Đồng
    Địa danh nay là một xã thuộc hiện Hoài Đức, Hà Nội.
  21. Chợ Phùng
    Chợ phố Phùng, nay thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Chợ họp theo phiên vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch hằng tháng.
  22. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  23. Chợ Gạch
    Chợ thuộc phố Gạch, thôn Đồng Lục (tên nôm là Kẻ Lọc) thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Trước đây chợ Gạch họp vào các ngày 2, 5, 7 trong tháng.
  24. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  25. Chợ Cốc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Cốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Thọ Lão
    Địa danh xưa thuộc tổng Thọ Nghiêm, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long, nay là khoảng dốc Thọ Lão-Lò Đúc, thành phố Hà Nội.
  27. Chợ Triệu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Triệu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Chợ Mía
    Chợ thuộc làng Mía, Sơn Tây. Xưa chợ có tên là chợ Tam Bảo, nằm ngay chân Tam quan của chùa Mía. Chợ do bà Nguyễn Thị Ngọc Dao - sau trở thành cung phi của Thanh đô vương Trịnh Tráng - dựng nên, họp mỗi tháng có 6 phiên chính vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26. Đọc thêm: Chợ cổ bên ngôi chùa cổ.
  29. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  30. Chợ Sêu
    Chợ thuộc làng Sêu, là đầu mối thông thương cho nhiều chợ khác quanh vùng. Địa thế cận giang đã làm cho chợ Sêu ngày càng lớn, rộng, giao lưu không chỉ trong huyện, mà còn liên huyện, liên tỉnh Hà Tây - Hoà Bình. Vì thế ít có chợ nào trong vùng có nhiều sản vật và phong phú như chợ Sêu.

    Chợ Sêu

    Chợ Sêu

  31. Hom
    Đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới.
  32. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  33. Tàu tượng
    Chỗ nhốt voi.
  34. Nhà như tàu tượng
    Nhà nghèo, tuềnh toàng, tường vách trống trải (như chỗ nhốt voi).
  35. Lỏ
    Ló lên, lộ ra, đưa ra.
  36. Bòi
    Dương vật.
  37. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  38. Lụy
    Chịu khốn khổ lây vì việc của người khác.
  39. Bài ca dao này vốn là những câu thơ rút từ tập Bút quan hoài của Á Nam Trần Tuấn Khải.
  40. Quýt giấy
    Một giống quýt vỏ màu đỏ tươi, mọng căng, mỏng vỏ nhiều nước, vị chua đậm đà.
  41. Hương Cần
    Một làng bên sông Bồ, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm nổi tiếng, sinh thời Nguyễn Du và Tùng Thiện Vương có làm thơ ca tụng.

    Quýt Hương Cần

    Quýt Hương Cần

  42. Mỹ Lợi
    Làng cổ thành lập từ thế kỉ 16, thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Làng nổi tiếng với nhiều sản vật như cau, khoai mài, tơ đủi, lụa, thao, nón lá, các loại hải sản nuôi đầm, v.v...

    Đình làng Mỹ Lợi

    Đình làng Mỹ Lợi

  43. Vải trạng
    Còn gọi là hắc lệ chi (vải đen), tương truyền do các sứ thần của ta đi Trung Quốc mang về. Đây là một giống vải quý hiếm, gốc to, tán rộng, trái có cơm dày, hột nhỏ và đen bóng, xưa được dùng để tiến vua.
  44. Cung Diên Thọ
    Một hệ thống kiến trúc cung điện có quy mô lớn nhất còn tồn tại trong Hoàng thành Huế, nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Cung được xây dựng từ năm 1804 và tu sửa qua nhiều đời vua, tên cũng thay đổi nhiều lần: Trường Thọ, Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ, đến triều Khải Định mới mang tên Diên Thọ. Năm 1993, cung được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

    Thọ Chỉ Môn thuộc quần thể cung Diên Thọ

    Thọ Chỉ Môn thuộc quần thể cung Diên Thọ

  45. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  46. Điện Phụng Tiên
    Một ngôi điện thờ cúng các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn, nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng thành Huế. Điện trước làm bằng gỗ, tên Hoàng Nhân, nằm gần cửa Hiển Nhân, sau vua Minh Mạng cho dời về vị trí ngày nay và đổi tên thành Phụng Tiên. Điện đã bị phá hủy nhiều trong chiến tranh, hiện chỉ còn cửa tam quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn.

    Cổng tam quan vào điện Phụng Tiên

    Cửa tam quan vào điện Phụng Tiên

  47. Thế Tổ Miếu
    Còn gọi là Thế Miếu, ngôi miếu thờ các vị vua triều Nguyễn, được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX, nằm ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế.

    Thế Miếu

    Thế Miếu

  48. Thanh trà
    Loài cây ăn trái thuộc họ Bưởi, quả có múi trong, hơi vàng, vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, ăn nhiều không có hậu đắng trong cổ họng như một số loại bưởi khác. Thanh trà còn được trộn với khô mực làm món gỏi thanh trà. Thanh trà làng Nguyệt Biều (Huế) rất nổi tiếng, xưa được dùng để tiến vua.

    Quả thanh trà

    Quả thanh trà

  49. Nguyệt Biều, Lương Quán
    Tên hai làng nay được hợp nhất thành phường Thủy Biều thuộc thành phố Huế.

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

  50. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  51. Tịnh Tâm
    Tên một hồ nước trong kinh thành Huế, nguyên là vết tích của sông Kim Long, dưới thời vua Minh Mạng được cải tạo thành hồ hình chữ nhật làm chỗ tiêu dao, giải trí. Trên hồ có ba đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Dưới thời vua Thiệu Trị hồ được coi là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh. Đây cũng là nơi hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người câu cá bí mật gặp vua Duy Tân bàn kế hoạch cho phong trào Duy Tân chống Pháp.

    Hồ Tịnh Tâm

    Cảnh hồ Tịnh Tâm

  52. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  53. Núp
    Nấp (phương ngữ).
  54. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  55. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  56. Được mợn
    Được đà, được thể (phương ngữ).
  57. Quớ
    Bớ (phương ngữ Phú Yên).
  58. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  59. Chim khách
    Còn gọi là yến nhung hoặc chim chèo bẻo, có bộ lông màu đen than, đuôi dài tẽ làm đôi. Tiếng kêu của chim nghe như "khách... khách" nên nó có tên như vậy. Theo dân gian, chim kêu tức là điềm báo có khách đến chơi nhà.

    Chim khách

    Chim khách

  60. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  61. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  62. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  63. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu