Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tánh tình
    Tính tình (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  2. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  3. Săng
    Quan tài.
  4. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  5. Bình Khê
    Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

  6. Đổ giàn
    Một lễ hội truyền thống được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ, trên đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay, sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người "cản địa" để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay... Đây là một lễ hội có ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  7. Cá vồ
    Một loại cá nước ngọt có thân khá lớn mình trơn, đầu lớn và dẹp, lưng đen bụng trắng. Tên của loài cá này có gốc từ tiếng Khmer trey po. Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ trước đây, cá vồ thường được nuôi ở các ao hồ gần nhà, trên có cầu tiêu để cung cấp "thức ăn tự nhiên."

    Cá vồ cờ

    Cá vồ cờ

  8. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  9. Lan chi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lan chi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  10. Phú quý tại thiên
    Giàu sang là nhờ trời.
  11. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  12. Thiệu Hóa
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Thanh Hóa, có huyện lị là thị trấn Vạn Hà.
  13. Nha lại
    Người giúp việc cho quan tri huyện, tri phủ.
  14. Câu này đề cập đến chuyện chạy chọt, đút lót ở chốn công quyền (một và hai ở đây là số tiền đút lót).
  15. Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.

    Giấy dó

    Giấy dó

  16. Tái sinh
    Một khái niệm trong các tôn giáo, theo đó người chết đi được đầu thai sang kiếp khác.
  17. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  18. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  19. Củ ấu gai
    Một loại củ ấu có hai sừng nhọn như gai thay vì sừng tù.
  20. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  21. Khoảng đất nổi cao lên giữa nơi bằng phẳng.
  22. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  23. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  24. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  25. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  26. Rau câu
    Một loại rong biển, là nguyên liệu chính để làm các món rau câu, thạch, xu xoa... Người dân ven biển những vùng có nhiều rau câu thường vớt rau câu bán.

    Rau câu

    Rau câu

  27. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  28. Duyên Hà và Thần Khê là hai huyện thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay gồm các xã Đông Đô, Tây Đô, Bình Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Theo truyền thuyết, thứ phi thứ năm của vua Lê Thái Tông là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, khi đang có thai đã được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và đại thần Đinh Liệt bí mật đưa về Đô Kỳ để tránh bị thứ phi thứ tư là Nguyễn Thị Anh hãm hại. Khi được đón về đến cầu Chày, bên này là đất huyện Duyên Hà và bên kia là đất huyện Thần Khê thì bà trở dạ, nhưng mãi không sinh được. Thấy vậy, bà bèn bảo mang hương hoa đến và thắp hương khấn rằng:

    Phải là con mẹ, con cha
    Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê

    Vừa khấn dứt lời thì bà sinh một hoàng tử “Tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, thực là bậc anh minh” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư), đặt tên là Lê Tư Thành, chính là vua Lê Thánh Tông sau này.

    Cầu Chày, tương truyền là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông

    Cầu Chày, tương truyền là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông

  29. Có nguồn dẫn thêm hai câu:

    Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh
    Thì quăng ra đất Vạn Ninh cho rồi

    Chữ Vạn Ninh này, có người cho là chỉ vạn chài hoặc cửa biển, có người lại cho là chốn yên nghỉ vĩnh hằng.