Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  2. Của ruộng đắp bờ
    Lấy đất ở dưới ruộng đắp lên bờ ruộng. Nghĩa bóng: Người thân cho nhau thì chẳng mất mát đi đâu, chẳng thiệt thòi gì. Cũng có nguồn giải thích: Giúp đỡ lo liệu cho người khác mà dùng chính tiền của của người ấy thì chẳng mất mát gì mà lại được tiếng.
  3. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  4. Hạnh
    Trong ca dao, chữ hạnh ghép với các danh từ khác (như buồm hạnh, buồng hạnh, phòng hạnh, vườn hạnh, ...) thường dùng để chỉ những vật thuộc về người phụ nữ, trong các ngữ cảnh nói về sự hi sinh, lòng chung thủy, hay những phẩm hạnh tốt nói chung của người phụ nữ. Có thể hiểu cách dùng như trên bắt nguồn từ ý nghĩa chung của từ hạnhnết tốt.
  5. Cô nhi
    Trẻ mồ côi.
  6. Gió Lào
    Loại gió khô và nóng xuất hiện ở nước ta từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín. Vì hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào, vượt Trường Sơn vào nước ta nên gió có tên là gió Lào, còn có các tên là gió nam hoặc gió phơn Tây Nam (foehn có nguồn gốc từ tiếng Đức föhn chỉ loại gió ấm ở vùng núi Alps). Gió thổi đập vào người nóng như cào da thịt nên cũng gọi là gió nam cào.
  7. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  8. Kinh nghiệm của ngư dân.
  9. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  10. Áo dài
    Trang phục truyền thống của nước ta, gần như trở thành một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, tuy nam giới cũng mặc được. Áo dài có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi, từ đi chơi, đi học cho đến dịp lễ lạc, tiếp khách trang trọng. Hiện chưa rõ nguồn gốc xuất xứ của áo dài, theo thời gian nó đã được cách tân cách điệu nhiều lần, nhưng hình dạng cơ bản vẫn giữ nguyên. Kiểu dáng hiện nay do họa sĩ Lê Phổ sửa lại từ những cải cách quan trọng của họa sĩ Cát Tường vào thập niên 30 của thế kỉ trước.

    Nữ sinh trong tà áo dài

    Nữ sinh trong tà áo dài

  11. Ốc xà cừ
    Một loại ốc biển lớn, vỏ dày có nhiều hoa văn đẹp mắt. Vỏ ốc xà cừ thường được dùng để khảm vào các đồ vật bằng gỗ, có tác dụng trang trí, gọi là cẩn xà cừ.

    Ốc xà cừ

    Ốc xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

  12. Son
    Chỉ vợ chồng trẻ chưa có con cái.
  13. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  14. Nhu
    Mềm mại, hiền lành (từ Hán Việt).
  15. Cương
    Cứng, rắn; còn được đọc trại là cang (từ Hán Việt).
  16. Nhược
    Yếu, kém (từ Hán Việt).

     

  17. Cường
    Mạnh (từ Hán Việt).
  18. Bất nhân
    Không có tính người, tàn ác (từ Hán Việt).
  19. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  20. Bươn
    Chạy vội. Từ này có gốc từ từ Hán Việt bôn.
  21. Ngộ
    Gặp gỡ (từ Hán Việt).
  22. Chợ Gia Lạc
    Một phiên chợ đặc biệt gần thôn Vĩ Dạ, chỉ họp vào mấy ngày Tết hằng năm. Tương truyền phiên chợ này là do Định Viễn Quận Vương Nguyễn Phúc Bính, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long, cho lập để người trong hoàng tộc đến chơi xuân, dần dần về sau thì nhân dân cũng tham dự.

    Chợ Gia Lạc qua tranh

    Chợ Gia Lạc qua tranh

  23. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  24. Vạc
    Đồ dùng để nấu, giống cái chảo lớn và sâu, thường làm bằng đồng. Trong chế độ phong kiến, vạc và đỉnh tượng trưng cho quyền lực. Vua chúa ngày xưa thường cho đúc vạc và đỉnh để đặt trong hoàng cung.

    Cái vạc

    Cái vạc

  25. Đinh
    Một triều đại phong kiến trong lịch sử nước ta, bắt đầu năm 968, sau khi Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và kết thúc năm 980 khi con của ông là Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn. Đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), nhà Đinh đã mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

    Cố đô Hoa Lư, dấu tích kinh đô nhà Đinh

    Cố đô Hoa Lư, dấu tích kinh đô nhà Đinh

  26. Tiền Lê
    Một triều đại phong kiến trong lịch sử nước ta, bắt đầu khi con trai của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn vào năm 980. Nhà Tiền Lê giữ quốc hiệu Đại Cồ Việt của nhà Đinh, trải qua ba đời vua và chấm dứt khi Lê Ngọa Triều qua đời, và hoàng tử kế vị đang còn nhỏ tuổi.
  27. Dương Vân Nga
    (? - 1000) Hoàng hậu của nhà Đinh (vợ vua Đinh Tiên Hoàng) và nhà Tiền Lê (vợ vua Lê Đại Hành). Hiện nay vẫn còn nghi vấn về tên họ thật của bà (Đại Việt sử kí toàn thư chỉ chép bà là Dương thị, nghĩa là người phụ nữ họ Dương). Tương truyền, lúc sơ sinh bà hay khóc về đêm (khóc dạ đề), thì có một đạo sĩ đi ngang qua, đọc hai câu thơ làm bà nín khóc ngay:

    Nín đi thôi, nín đi thôi
    Một vai gánh vác cả đôi sơn hà

    Con gái của bà với Lê Hoàn là Lê Thị Phất Ngân trở thành hoàng hậu của Lý Thái Tổ, mẹ vua Lý Thái Tông sau này, vì vậy bà được gọi là Dương thái hậu. Hình ảnh bà được nhắc đến nhiều trong dân gian.

    Xem vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga.

    Tượng Thái hậu Dương Vân Nga

    Tượng Thái hậu Dương Vân Nga

  28. Chính cung
    Cung là từ gọi những người hoặc vật thuộc hoàng tộc ngày trước. Chính cung là hoàng hậu, phi tần gọi là lục cung, thái tử là trừ cung, hầu gái trong cung gọi là cung nữ...
  29. Bài ca dao này nhắc việc nhà Tiền Lê lên thay nhà Đinh và thái hậu Dương Vân Nga, vợ góa của vua Đinh Tiên Hoàng, trở thành hoàng hậu của vua Lê Đại Hành.