Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  2. Tườu
    Con khỉ, dùng với ý bỡn cợt, mắng, rủa.
  3. Cối
    Đồ dùng để đâm, giã, xay, nghiền (ví dụ: cối giã gạo, cối đâm trầu, cối đâm bèo).

    Cối đá

    Cối đá

  4. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  5. Lượt
    Một loại vải dệt thưa từ tơ tằm, mượt, rất mịn và mềm, thường nhuộm đen để may khăn hay may áo.
  6. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  7. Tết Đoan Ngọ nhằm ngày 5 tháng 5 Âm lịch, là thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hạ nên dễ mắc bệnh thời khí.
  8. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  9. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  10. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  11. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  12. Khó
    Nghèo.
  13. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  14. Giấc điệp
    Cũng gọi là giấc bướm (điệp nghĩa là con bướm), nghĩa là giấc ngủ, giấc mộng. Theo Trang Tử: "Ngày xưa Trang Chu nằm mộng thấy mình thành bướm bay nhởn nhơ. Đột nhiên tỉnh dậy, thấy mình lại là Trang Chu. Không biết có phải Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm hay bướm nằm mộng thấy mình là Trang Chu?"
  15. Nằm gai nếm mật
    Thành ngữ này có nguồn gốc từ câu Ngọa tân thưởng đảm, xuất phát từ một điển tích trong chiến tranh Ngô-Việt vào thời Xuân Thu của Trung Quốc. Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai bắt làm tù binh, phải chịu mọi điều khổ nhục, kể cả việc phải nếm phân của Phù Sai. Khi được thả về, ông thường nằm trên đệm gai, không ăn cao lương mĩ vị mà thường lấy tăm nhúng vào mật đắng nếm để luôn nhắc nhở mình không quên mối thù xưa. Sau hai mươi năm chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã phục thù, đánh lấy được Ngô.
  16. Mã đáo thành công
    Cũng nói là Mã đáo công thành, thành ngữ Hán Việt có nghĩa đen là "thành công ngay khi ngựa vừa đến (chiến trường)," sau trở thành lời chúc thành công, may mắn.

    Tranh vẽ Mã đáo thành công

  17. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  18. Bơi trải
    Cũng được phát âm thành bơi chải. Theo Từ điển tiếng Việt 1992 do Hoàng Phê chủ biên thì trải là "một loại thuyền nhỏ và dài, dùng trong các cuộc bơi thuyền." Ở các tỉnh miền Bắc, mỗi năm thường tổ chức các cuộc thi bơi trải kết hợp với các lễ hội truyền thống khác như hát quan họ, hội đình chùa...

    Bơi trải ở Bạch Hạc, Phú Thọ

    Bơi trải ở Bạch Hạc, Phú Thọ

  19. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  20. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  21. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.