Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  2. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  3. Đương
    Đang (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  5. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  6. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  7. Dành dành
    Còn tên gọi khác là chi tử, huỳnh can, là một loại cây mọc hoang ở rừng, được các nhà nghiên cứu thảo dược phát hiện đưa về trồng trong vườn thuốc. Cây dành dành là một vị thuốc quý chuyên trị các bệnh về gan, mật, đặc biệt là các chứng đau mắt.

    Lá và hoa dành dành

    Lá và hoa dành dành

  8. Cổ Nhuế
    Tên Nôm là kẻ Noi, một làng thuộc Thăng Long xưa, nay là xã thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Cổ Nhuế ngày xưa có truyền thống thâm canh lúa và hoa màu giỏi, đồng thời có nghề may từ đầu thế kỉ 20. Làng cũng có nghề hót phân rất độc đáo, tới mức trong đền thờ Thành Hoàng, người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay (những công cụ hót phân).

    Đọc thêm "Nghề hót phân trên đời là nhất!".

    Người lấy phân

    Người lấy phân

  9. Sọt
    Đồ đựng đan bằng tre hoặc nứa, có mắt thưa.

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

  10. Lương nông
    Nhà nông thành thạo, nhà nông giỏi (từ Hán Việt).
  11. Cà Đó
    Một địa danh ở xã Đức Lương, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây nổi tiếng có thuốc lá rất ngon.
  12. Nồi hai
    Nồi nấu được hai lon gạo.
  13. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  14. Chòi mòi
    Còn gọi tòi mòi, chồi mòi, chu mòi, châm mòi, chua mòi, chóp mòi, mà ca, xô con, cây gỗ nhỏ thuộc họ Thầu dầu, cao 3-10 m, nhánh cong queo, mọc hoang ở vùng rừng thưa và đôi khi ở đồng bằng. Vỏ, cành con, lá chòi mòi dùng làm vị thuốc Đông y chữa đau đầu, tiêu chảy, làm thuốc bổ cho phụ nữ mới sinh, giúp điều kinh.

    Cây chòi mòi

    Cây chòi mòi

  15. Minh Phú
    Tên một xã thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
  16. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  17. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  18. Phan Đình Phùng
    Nhà thơ, nhà yêu nước, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) thuộc phong trào Cần Vương vào cuối thế kỷ 19. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nho học, sau thi đỗ rồi ra làm quan. Từ năm 1885 đến 1896, ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp nhiều trận. Đến ngày 28 tháng 12 năm 1895, ông bị thương nặng và hi sinh trong một trận giao tranh ác liệt. Nguyễn Thân đã cho quật mồ ông ở chân núi Quạt, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La.

    Phan Đình Phùng

    Phan Đình Phùng

  19. Đông Thái
    Tên một làng thuộc huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của nhà yêu nước Phan Đình Phùng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê thuộc phong trào Cần Vương.
  20. Ngồi thúng cất cạp
    Ngồi trong cái thúng mà lại cầm lấy cái cạp thúng cất (nâng) lên. Nghĩa bóng chỉ việc khó xử lí khách quan nếu là người trong cuộc.
  21. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  22. Thoại Ngọc Hầu
    (1761-1829) Tên thật là Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy, một danh tướng nhà Nguyễn. Ông là người có công rất lớn trong việc khai khẩn vùng Châu Đốc-An Giang hiện nay, với các công trình đào kênh Vĩnh Tế, làm đường Núi Sam-Châu Đốc, lập nhiều làng xã... Sau khi mất, ông được an táng trong lăng dưới chân núi Sam, người dân cũng gọi là lăng Ông Lớn.

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

  23. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  24. Non nhớt
    Còn rất non, chưa ráo mủ, còn nhiều nhớt (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Chuối tiêu
    Còn gọi chuối già (có nơi đọc là chuối dà), một giống chuối cho trái nhỏ, dài, thơm, khi chín vỏ vẫn màu xanh, khi chín muồi vỏ chuyển sang màu vàng. Chuối tiêu rất giàu dinh dưỡng và là một vị thuốc dân gian.

    Chuối tiêu

    Chuối tiêu

  26. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  27. Canh ngọt
    Cách nói để khen món canh ngon, đúng vị (cơm lành canh ngọt).
  28. Cau lùn
    Giống cau thuộc họ cau dừa, thân cột, cao tới 20m, tán lá rộng, ít rụng, hoa thơm, có trái quanh năm, thường được trồng làm cảnh.

    Hàng cau lùn

    Hàng cau lùn

  29. Sai
    Gửi đi, cắt đi làm việc gì. Từ đó có các từ khâm sai (chức quan lớn lãnh mệnh đi làm việc gì), thừa sai (người lãnh việc sai phái), phụng sai (vâng lãnh việc sai phái)...