Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  2. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  3. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  4. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  5. Nắng đan đó, mưa gió đan gầu
    Khi trời nắng dài ngày thì đan đó chờ những ngày sau trời mưa to, tôm cá đầy đồng, đem bán sẽ đắt hàng. Khi trời mưa dài ngày thì đan gàu, vì bao giờ sau khi mưa dài cũng đại hạn, lúc đó đem gàu đi bán sẽ rất chạy.
  6. Khẩu: miệng. Tâm: trái tim. Xà: rắn. Câu thành ngữ Hán Việt này có nghĩa là: miệng nói những lời như lời Phật, mà tâm địa thì như loài rắn.
  7. Đất Đỏ
    Vùng cao nguyên đất đỏ badan thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Ở đây nổi tiếng có giống heo thịt rất ngon, thường được dùng làm nem Ninh Hoà, một đặc sản của tỉnh Khánh Hoà.

    Nem Ninh Hoà

    Nem Ninh Hoà

  8. Hát đúm
    Một loại hình ca hát dân gian ở các tỉnh phía Bắc (nổi bật nhất là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), do nhiều thanh niên trai gái cùng tham gia, thường ở dạng đối đáp. Theo người dân vùng ven biển Thủy Nguyên thì hát đúm đã có ở đây cách ngày nay khoảng bảy, tám trăm năm vào thời nhà Trần, nhưng có lẽ phải tới thế kỉ 16 (thời nhà Mạc), sau khi chùa Kiến Linh được tạo dựng ở Phục Lễ thì nó thực sự mới được hát trong lễ hội chùa.

    Xem video về lễ hội hát đúm ở Thủy Nguyên.

  9. Đu tiên
    Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  10. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Trù
    Trầu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  12. Lê Thái Tổ
    Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.

    Tượng đài Lê Lợi

    Tượng đài Lê Lợi

  13. Ngày mồng 2 tháng giêng năm Bính Tuất (1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh, xưng là Bình Định vương. Câu này nói lên ước vọng của nhân dân muốn cho nghĩa quân Lê Lợi mau giải phóng đất nước.
  14. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  15. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  16. Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi
    Câu ca dao này nhắc đến đến bốn danh nhân nổi tiếng của đất Đồng Nai thời xưa, nhân dân ca tụng và gọi họ là bốn con rồng. Trong đó:

    Nghĩa: Có thể là Bùi Hữu Nghĩa, nhà thơ và nhà soạn tuồng ở đất Nam bộ, từng làm quan dưới triều nhà Nguyễn ngày trước. Năm 1835, ông đỗ thủ khoa trong kỳ thi Hương ở Gia Định và từ đó được gọi là Thủ khoa Nghĩa. Bùi Hữu Nghĩa là một người liêm chính nên không được lòng quan trên, cũng bởi vì điều này mà đường công danh của ông gặp khá nhiều bất trắc. Ông là một người có tài về thơ nhưng lại nổi danh về tuồng, khắp miền Nam kỳ lục tỉnh vào khoảng giữa cuối thế kỷ 19 không ai là không biết đến tài năng của Bùi Hữu Nghĩa. Các bản tuồng nổi tiếng của ông: Tây du, Mậu tòng, Kim Thạch kỳ duyên.
    Trong một ý kiến khác, học giả Vương Hồng Sển cho rằng Nghĩa ở đây có thể là Trịnh Hoài Nghĩa, hậu duệ của Trịnh Hoài Đức, là một thầy dạy chữ Nho và rất giỏi về thi phú. Ông có để lại một vế đối mà chưa có ai đối được: "Hạng Võ khóc Ngu Cơ, ngơ cu Hạng Võ".

    Sang: Cũng theo học giả Vương Hồng Sển, Sang có thể là Phụng Hoàng San, một soạn giả cổ nhạc nổi tiếng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Ông là tác giả của tập "Bản đờn tranh & bài ca", gồm bản đờn của 11 điệu và lời của 24 bài hát.

    Lộc Lễ: Hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào giải đáp về thân thế của hai người này.

  17. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  18. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  19. Này (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  21. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  22. Quan ba
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm đại úy (capitaine) Gọi vậy vì quân hàm này có 3 vạch.
  23. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  24. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  25. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  26. Bến Lức
    Tên một huyện thuộc tỉnh Long An, là cửa ngõ phía Bắc của miền Tây Nam Bộ. Huyện Bến Lức cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về hướng tây nam và cách thành phố Tân An (thủ phủ Long An) 15 km về hướng đông bắc.
  27. Gò Đen
    Quận của tỉnh Chợ Lớn cũ, do quận Trung Quận đổi tên từ ngày 04/02/1947. Năm 1957 quận Gò Đen giải thể, một phần đất đai nhập vào quận Bến Lức (nay là huyện Bến Lức), tỉnh Long An; phần còn lại lập thành quận Bình Chánh, tỉnh Gia Định (nay là huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh). Hiện Gò Đen chỉ còn là địa danh vùng, bao gồm 3 xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi của huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Gò Đen nổi tiếng cả nước với đặc sản là rượu đế.

    Rượu đế Gò Đen

    Rượu đế Gò Đen