Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cỏ may
    Một loại cỏ thân cao, có nhiều hoa nhỏ thành chùm màu tím sậm, hay gãy và mắc vào quần áo (có lẽ vì vậy mà thành tên cỏ may). Cỏ may xuất hiện rất nhiều trong văn thơ nhạc họa.

    Hồn anh như hoa cỏ may
    Một chiều cả gió bám đầy áo em

    (Hoa cỏ may - Nguyễn Bính)

    Cỏ may

    Cỏ may

  2. Rền rĩ
    Rên rỉ, than khóc không dứt.
  3. Tim la
    Tên gọi cũ của bệnh giang mai. Có nơi ghi tiêm la.
  4. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  5. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  6. Thõng thòng thòng
    Thõng xuống, trễ xuống.
  7. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

  8. Đền A Sào
    Đền thờ Trần Hưng Đạo (tên thật Trần Quốc Tuấn, còn được gọi là Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương), thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền còn được gọi là A Sào linh miếu, Đệ nhị sinh từ, hay đền Gạo (do làng A Sào xưa có tên nôm là làng Gạo). Đền nằm trong thái ấp của Trần Liễu, phụ thân Trần Hưng Đạo.

    Địa danh A Sào gắn liền với vương triều Trần và chiến tích ba lần đại phá quân Nguyên - Mông vào các năm 1258, 1285, và 1288. Hàng năm, dân làng mở hội tế lễ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Trần Hưng Đạo.

     

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

  9. Quê anh chàng này ở làng Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Theo phép chiết tự, chữ phú 富 bao gồm “giằng đầu” 宀, nhất 一, khẩu 口, điền 田, chữ nghĩa 義 có thảo 艹, vương 王, và ngã 我.
  10. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  11. Thợ rèn không dao ăn trầu
    Lo phần người mà quên mất phần mình.
  12. Có bản chép: Nhà nào nhà nấy, còn đèn còn lửa.
  13. Rồng ấp
    Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

  14. Rồng chầu
    Một loại họa tiết cổ thường có hình cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu), cặp rồng chầu mặt nguyệt.

    Bệ chạm cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu) thời Lý

    Bệ chạm cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu) thời Lý

  15. Có bản chép: Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ.
  16. Có bản chép: những con như rối.
  17. Ngày xưa, vào những ngày gần Tết, trẻ con trong làng thường họp thành đoàn, rủ nhau đi chúc Tết xin tiền, vừa đi vừa lúc lắc cái ống tre đựng tiền, đến từng nhà hát bài đồng dao này.
  18. Đông Viên
    Tên một làng thuộc huyện Quảng Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tại đây có món đặc sản chè Đông Viên, nấu bằng đậu đen cùng với "mật chè" và bột lọc làm bằng củ hoàng tinh.
  19. Hẩm
    Chỉ thức ăn (thường là cơm, gạo) đã biến chất, hỏng.
  20. Kẻ Ngọ
    Địa danh cũ nay thuộc xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
  21. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  22. Vàm
    Cửa sông. Đây là từ mượn từ tiếng Khmer péam. Nước ta có nhiều địa danh có tiền tố Vàm: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Nao, Vàm Sát, Vàm Cống...
  23. "Ngọn" ở đây chỉ ngọn sông hay ngọn rạch, tức là nơi bắt đầu của con sông hay con rạch, thường cách xa cửa sông, để đối với vàm sông trong câu trên.
  24. Dương gian
    Cõi dương, thế giới của người sống, đối lập với cõi âm hay âm phủ là thế giới của người chết.
  25. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  26. Cộng đồng
    Cùng chung với nhau.
  27. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  28. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  29. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Đồng bạc
    Tiền kim loại đúc bằng bạc, tỉ lệ pha chế là 90% bạc, nặng 27 gam, do Pháp cho lưu hành ở Đông Dương trước đây. Sau này, khi tái chiếm Đông Dương, Pháp cho đúc lọai tiền một đồng của Ngân hàng Đông dương, bằng hợp kim nhiều kền (nickel), quanh rìa có khía răng cưa nhỏ, to hơn và nặng hơn đồng tiền cũ.

    Đồng bạc Đông Dương

    Đồng bạc Đông Dương

  31. Đồng chì
    Tiền kim loại mệnh giá một xu do Pháp lưu hành ở Đông Dương khoảng năm 1936-1940, đúc bằng hợp kim có màu đen xám, mỏng, đường kính bằng một lóng tay, có lỗ tròn ở giữa.

    Đồng một xu

    Đồng một xu

  32. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  33. Choang
    Choảng, đánh nhau.