Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  2. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  3. Khởi sự
    Bắt đầu (khởi) làm một việc gì (sự).
  4. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  5. Đáy
    Một dụng cụ dùng để đánh bắt tôm cá. Đáy có cấu tạo giống một chiếc túi, mắt lưới nhỏ dần, được đặt cố định ở nơi có dòng chảy để chặn bắt tôm cá. Đáy được chia thành nhiều loại tùy theo vùng hoạt động, đối tượng đánh bắt và kiểu kết cấu: đáy hàng câu, đáy hàng khơi, đáy neo, đáy rạo, đáy rạch, đáy bày...

    Đóng đáy trên sông

    Đóng đáy trên sông

  6. Sách Địa chí Bến Tre giải thích như sau: Cái nghề lao động khá vất vả trên sông nước này lại được mọi người xem như một cuộc "mộng du" theo trình tự thời gian từ canh một cho chí canh năm: "trải chiếu" (giăng đáy), "xét vú" (kiểm tra rốn đáy), "rà mồm" (rà soát lại miệng đáy), "cuốn chiếu," "rửa trôn" (kết thúc vật lộn trên một đêm sóng nước).
  7. Nhật Lệ
    Tên một dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi thuộc dãy Trường Sơn, chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Cùng với sông Gianh, dãy Hoành Sơn, đèo Ngang, sông Nhật Lệ là một trong những biểu tượng của tỉnh Quảng Bình.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  8. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh

  9. Chùa Non
    Tên chữ là Kim Phong, một ngôi chùa nằm trên núi Thần Đinh (cũng có tên là núi Chùa Non), nay thuộc địa phận xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Chùa được xây hướng về phía Bắc, nhìn ra cửa sông Nhật Lệ. Hiện nay chùa là một địa điểm du lịch có tiếng, đồng thời là điểm dâng hương cầu an mỗi dịp năm mới của hàng nghìn người dân Quảng Bình.

    Chùa Non

    Chùa Non

  10. Đầu Mâu
    Một ngọn núi cao 763 mét ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Có tên gọi như vậy vì ngọn núi giống như mão đầu mâu (loại mũ trụ bao quanh đầu, trên đỉnh có chóp nhọn). Năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai nhà quân sự Đào Duy Từ tổ chức đắp lũy Thầy dài 18 km từ Đồng Hới đến núi Đầu Mâu để ngăn chặn quân Lê-Trịnh từ Bắc kéo vào.

    Sông Nhật Lệ và dãy núi Đầu Mâu xa xa – Ảnh: C.M.T. (qbvn.com)

    Sông Nhật Lệ và dãy núi Đầu Mâu xa xa – Ảnh: C.M.T. (qbvn.com)

  11. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  12. Mặt nạc đóm dày
    Mặt nạc là mặt có phần thịt hai má, trán, cằm nhô ra quá nhiều. Đóm dày là đóm (củi) chẻ dày bản, khó cháy. Cả câu chỉ người ngu độn.
  13. Mặt mo
    Mặt dày như cái mo, thường có nghĩa chê bai.
  14. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  15. Đồng Phú
    Một địa danh nay là một phường thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
  16. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  17. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  18. Ông Núi
    Tương truyền năm Nhâm Ngọ 1702, có vị thiền sư Tánh Ban (tục danh Lê Ban) lên đỉnh Chóp Vung thuộc dãy Núi Bà lập chùa tranh, gọi là Dũng Tuyền tự (chùa Suối). Nhà sư dùng vỏ cây kết làm áo mặc nên nhân dân gọi là Mộc Y Sơn Ông, nghĩa là "ông Núi mặc áo vỏ cây." Sau chúa Nguyễn nghe tin, cho là đáng bậc chân tu, năm Quý Sửu (1733) truyền dựng nơi đây ngôi chùa ngói, đặt tên là Linh Phong Thiền tự, gọi tắt là chùa Linh Phong, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chùa Ông Núi. Lễ hội chùa Ông Núi được tổ chức vào ngày 24-25 tháng giêng hàng năm, là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Bình Định.

    Chùa Ông Núi

    Chùa Ông Núi

  19. Sơn thủy
    Núi sông (từ Hán Việt).
  20. Tà huy
    Ánh nắng (暉 huy) nghiêng (斜 tà). Chỉ ánh nắng buổi chiều, đồng thời hiểu rộng ra là buổi chiều.

    Em về rũ áo mù sa,
    Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

    (Bùi Giáng)

  21. Giậu
    Tấm tre nứa đan hoặc hàng cây nhỏ và rậm để ngăn sân vườn.

    Hàng giậu tre

    Hàng giậu tre

  22. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  23. Phú quý tại thiên
    Giàu sang là nhờ trời.
  24. Khứng
    Chịu, vừa lòng, thuận lòng (từ cổ).
  25. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  26. Huyết thệ
    Thề (thệ) bằng máu (huyết).
  27. Còn sống thì màu trắng, chết thì có màu đỏ.
  28. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  29. Nhất phẩm hồng
    Màu đỏ tươi của hoa trạng nguyên, còn gọi là hoa nhất phẩm hồng.

    Hoa trạng nguyên

    Hoa trạng nguyên

  30. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.