Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chòi
    Một dạng lều được dựng nơi có địa thế cao để canh giữ, thường được làm bằng tre lá.

    Chòi canh

    Chòi canh

  2. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  4. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  5. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  6. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  7. Thung dung
    Thong dong.
  8. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  9. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  10. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  11. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  12. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  13. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  14. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  15. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  16. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  17. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  18. Rạch Gầm-Xoài Mút
    Tên gọi một đoạn sông Tiền giới hạn bởi 2 sông nhánh nhỏ là Rạch Gầm (phía thượng lưu) và Xoài Mút (phía hạ lưu), ngày nay nằm giữa địa phận thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, ngày 20 tháng 1 năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh tan năm vạn quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện trong trận đánh sau này được mang tên là trận Rạch Gầm-Xoài Mút.

    Xem vở cải lương Tiếng sóng Rạch Gầm.

  19. Vàm
    Cửa sông. Đây là từ mượn từ tiếng Khmer péam. Nước ta có nhiều địa danh có tiền tố Vàm: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Nao, Vàm Sát, Vàm Cống...
  20. Mỹ Tho
    Thành phố tỉnh lị thuộc tỉnh Tiền Giang. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Khmer srock mé sa, mi so, nghĩa là "xứ có người con gái nước da trắng." Lịch sử hình thành của vùng đất này bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 17, một nhóm người Minh Hương di cư từ Trung Quốc đã được chúa Nguyễn cho về định cư tại đây và lập nên Mỹ Tho đại phố. Đô thị này cùng với Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) là hai trung tâm thương mại lớn nhất tại Nam Bộ lúc bấy giờ. Trải qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, Mỹ Tho đại phố mất dần vai trò trung tâm thương mại về tay của vùng Sài Gòn - Bến Nghé.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay là một đầu mối giao thông quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Mỹ Tho là hủ tiếu.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  21. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Sún
    Trẻ chưa có răng, cha mẹ thường nhai thức ăn cho mềm rồi mớm vào mồm trẻ. Cũng nói: chim mẹ sún mồi cho con.
  23. Chừng ni
    Chừng này (phương ngữ miền Trung).
  24. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  25. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  26. Câu này có lẽ xuyên tạc từ thơ Bùi Giáng:

    Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ
    Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau

  27. Đe
    Khối sắt hoặc thép dùng làm bệ để đặt kim loại lên trên mà đập bằng búa.
  28. Thợ rào
    Thợ rèn.
  29. Thích
    Dùng mũi nhọn châm vào vật gì để khắc, rồi bôi mực cho nổi hình lên.
  30. Chạm
    Khắc, đục lên bề mặt vật rắn (gỗ, đá, kim loại, v.v...) để tạo những đường nét, hình khối mang tính nghệ thuật.
  31. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  32. Hành ngơi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hành ngơi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  33. Đây là trò chơi dân gian tương tự trò Nu na nu nống.
  34. Cói chó ngó cá tràu
    Tham muốn những cái quá sức mình. Cói chó chỉ bắt được tép, cá lòng tong... nhưng nhìn thấy cá tràu thì vẫn thèm thuồng.