Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  2. Đoái
    Nghĩ tới, nhớ tới.
  3. Chuối chiên
    Một món ăn vặt phổ biến ở miền Nam, được chế biến bằng cách chiên chuối với dầu, bột, có thể thêm các thành phần khác như muối, đường, trứng gà...

    Chuối chiên

    Chuối chiên

  4. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  5. Bài đồng dao này thường được các em nhỏ hát khi chọc ghẹo nhau, đôi khi không có câu đầu.
  6. Cáy
    Một loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông, thường dùng làm mắm.

    Con cáy

    Con cáy

  7. Rau đay
    Một loại rau chủ yếu dùng nấu canh (với cua, tôm tép), đôi khi với mồng tơi hoặc mướp. Rau đay khi nấu có nhiều nhớt, nên còn gọi là rau nhớt.

    Rau đay

    Rau đay

  8. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh

  9. Lần hồi
    Lần lần, từ từ, ngày này qua ngày khác.
  10. Rú Mã
    Cũng nói và viết là rú Mả, một ngọn núi nhỏ hình yên ngựa (mã) thuộc địa phận xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, trên trồng nhiều chè.
  11. Đồng Sâu
    Tên một cánh đồng ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
  12. Xa ngái
    Xa xôi, rất xa. Ngái nghĩa là xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  13. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  14. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  15. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  16. Chó có váy lĩnh
    Vải lĩnh là một loại vải quý. Chó mặc váy làm bằng vải lĩnh thì hoặc là chuyện trớ trêu, hoang đường, hoặc là kiểu ăn mặc (mở rộng ra là dáng điệu, cách sống) kệch cỡm.
  17. Chúa Nguyễn
    Cách gọi chung trong sử sách và dân gian về chín đời chúa đều thuộc dòng họ Nguyễn, kế tiếp nhau cai trị và mở mang các vùng đất từ Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào miền Nam, bắt đầu vào đầu giai đoạn Lê trung hưng của nhà Hậu Lê, hay giữa thế kỷ 16, cho đến khi bị nhà Tây Sơn tiêu diệt năm 1777. Họ là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta (1802-1945). Chín đời chúa Nguyễn và mười ba đời vua Nguyễn sau này có công rất lớn trong việc thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, mang lại hình dạng non sông như hiện nay.
  18. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  19. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  20. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  21. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Mía đường là một đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi. Ngày xưa một số vùng ở Quảng Ngãi có lệ phạt những người bẻ trộm mía, nên mới có hoạt cảnh khôi hài này.
  23. Bồ hố mại
    Tiếng Triều Châu, có nghĩa là không đẹp, không chịu. (Văn truyền khẩu trên đất Đồng Nai - Nguyễn Văn Hầu)
  24. Nặc Ông Chân
    Còn gọi là Nặc Ông Chăn, Hoàng Chăn, tên vị vua trị vì Chân Lạp từ 1642-1659.
  25. Định Công
    Tên một làng thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Làng có truyền thống làm nghề kim hoàn nổi tiếng, tương truyền là từ ba anh em họ Trần vào thời Lý Nam Đế: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền.

    Tác phẩm Khuê Văn Các của nghệ nhân làng Định Công

    Tác phẩm Khuê Văn Các của nghệ nhân làng Định Công

  26. Thanh Liệt
    Tên nôm là làng Quang, một làng cổ thuộc Thăng Long, chạy dọc theo bờ sông Tô Lịch, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đây là quê hương của võ tướng Phạm Tu - khai quốc công thần nhà Tiền Lý, và nhà giáo Chu Văn An.
  27. Thái Yên
    Làng mộc nổi tiếng từ lâu đời, nay là một xã thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  28. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)