Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  2. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  3. Vồ
    Dụng cụ gồm một đoạn gỗ chắc và nặng có tra cán, dùng để nện, đập. Trong nông nghiệp, vồ được dùng để đập cho đất nhỏ ra.

    Cái vồ

    Cái vồ

  4. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  5. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  6. Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy
    Phải giữ mồm giữ miệng, cẩn thận lời tiếng nói để khỏi lỡ lời, vạ miệng.
  7. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  8. Dặm
    Đơn vị đo chiều dài được dùng ở Việt Nam và Trung Quốc ngày trước. Một dặm dài 400-600 m (tùy theo nguồn).
  9. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  10. Nguyệt náo trung thiên
    Trăng rộn giữa trời (thành ngữ Hán Việt).
  11. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  12. Tấn
    Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
  13. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  14. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  15. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  16. Ngô
    Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
  17. Cẩm thạch
    Tên dân gian là đá hoa, tên gọi chung của một số loại đá rất cứng và nặng, có thể mài giũa cho bóng loáng, thường được dùng trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí.

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

  18. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  19. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  20. Hôn định thần tỉnh
    Cũng nói là định tỉnh thần hôn hoặc nói tắt là thần hôn, nghĩa là buổi tối (hôn) chăm sóc cho cha mẹ ngủ yên (định), buổi sáng (thần) đến hỏi thăm sức khỏe cha mẹ (tỉnh). Chỉ đạo làm con.
  21. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  22. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  23. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  24. Tiền
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
  25. Hòn Yến
    Tên một đảo đá cao nằm ngoài khơi xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa nơi đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ, nên có tên gọi như vậy. Hiện nay Hòn Yến được xem là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên.

    Hòn Yến

    Hòn Yến

  26. Tân lang
    Chú rể (từ Hán Việt).
  27. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  28. Tiền trảm hậu tấu
    Chém trước tâu sau (tiền 前: trước; trảm 斬: chém; hậu 後: sau; tấu 奏: tâu, thưa trình). Trong thời phong kiến, đôi khi vua trao cho cận thần quyền tiền trảm hậu tấu, tức là có thể chém người có tội trước rồi mới về tâu trình lại với vua.
  29. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  30. Tháp Thầy Bói
    Còn có tên là Tháp Chòi Mòi, một gành đá nổi giữa đầm Thị Nại, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Đầm biển cạn chu vi 9.500 trượng, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi Tháp Thầy Bói.” Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn chép: “Trong đầm ở phía tây, gần phía Quy Nhơn, nổi lên một cụm đá rộng, chừng vài sào, cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, một thước rưỡi, khi thủy triều thay đổi. Người ta gọi là Tháp Thầy Bói.”

    Về tên gọi “Tháp Thầy Bói,” có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, do dân chài lập ra để thờ thuỷ thần.

    Gành đá Tháp Thầy Bói

    Gành đá Tháp Thầy Bói

  31. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại