Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  2. Bến Hải
    Một một con sông ở miền Trung, chảy dọc theo vĩ tuyến 17 rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng. Sông có tổng chiều dài chừng 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200 m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Về tên sông, có thuyết nói là địa danh nguyên gọi là Bến Hói (hói nghĩa là sông nhỏ). Trong chiến tranh Việt Nam, sông là ranh giới chia cắt hai miền Bắc và Nam Việt Nam.

    Sông Bến Hải trong chiến tranh Việt Nam

    Sông Bến Hải trong chiến tranh Việt Nam

  3. Hạ lợi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  4. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  5. Lễ đáo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Tảo mộ
    Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.

    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  7. Dĩ chí
    Cho đến (từ Hán Việt).
  8. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  9. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  10. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  11. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  13. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  14. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  15. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  16. Cổ Am
    Tên cũ là Úm Mạt, một làng nằm ở tận cùng phía đông nam huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Làng này nổi tiếng là nơi sinh ra nhiều nhân tài và học giả lớn của nước ta như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà nho Trần Lương Bật, Trần Công Hân...
  17. Làng Cổ Am ngày xưa lắm người đỗ đạt nên người ta ví ở đó có nhiều bà mẹ đẻ ra người tài.
  18. Đồng Dụ
    Một thôn thuộc xã Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng. Nơi này nổi tiếng bởi đặc sản cam Đồng Dụ và hoa hải đường.
  19. Đồng Dụ có giống cam thơm, ngọt và to nỗi tiếng. Ngày xưa, cam vùng này dành để tiến Vua nên còn gọi là cam tiến Vua. Ngày nay giống cam này không còn, Hải Phòng đang có dự án khôi phục giống cam quý này.
  20. Đồ Sơn
    Địa danh nay là một quận thuộc thành phố Hải Phòng. Từ thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc, nơi đây đã là một vùng có bãi biển nổi tiếng.

    Phong cảnh Đồ Sơn

    Phong cảnh Đồ Sơn

  21. Phụ nữ ở Đồ Sơn thường chuyên nghề làm cá, chèo thuyền và kéo lưới. Nhờ lao động chăm chỉ và cũng có thể do di truyền mà các cô gái Đồ Sơn có bộ ngực săn chắc, tròn đẹp.
  22. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  23. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  24. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  25. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  26. Ôm rơm nặng bụng
    (Khẩu ngữ) ví việc làm không đâu, không phải việc của mình nhưng cứ làm, nên không những không mang lại lợi ích mà còn tự gây vất vả, phiền phức cho mình.
  27. Có người hiểu câu tục ngữ này với ý coi thường hạng ca sĩ, nhưng theo Lê Gia trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Thời xưa người ta chia ra "tứ dân" (sĩ, nông, công, thương), là những thành phần có số lượng đông đảo và chuyên nghiệp. Còn các thành phần ít người và thiếu chuyên nghiệp như thợ săn, lái đò, bốc vác, v.v. trong đó có giới ca sĩ (xướng ca), thì không được xếp vào loại nào (vô loài), tức là không nằm trong "tứ dân," chứ không có ý khinh khi. Trái lại, nghề ca sĩ xưa (và cả nay) lại được rất nhiều người mê. Tuy nhiên, giới xướng ca xưa chủ yếu là nghiệp dư, tuổi nghề lại ngắn, dễ thất nghiệp nên cuộc sống bấp bênh, người ta dùng câu tục ngữ trên để khuyên can những ai lựa nghề ca hát làm nghiệp.

    Các trí thức ngày xưa vẫn có thú thưởng thức hát chèo, hát ví, ca trù, cô đầu, hát xẩm,... Nổi tiếng nhất có lẽ là nhà nho Nguyễn Công Trứ với niềm đam mê hát ả đào.

    Hát bội làm tội người ta
    Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con

    (Ca dao)

  28. Tông Đản
    Trước có tên là Tôn Đản, một con phố ở Hà Nội, nay thuộc các phường Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Phố được đặt theo tên Nùng Tông Đản, tướng lĩnh người dân tộc Nùng, thuộc tướng của Lý Thường Kiệt, có công lớn cùng Lý Thường Kiệt đánh phá Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu trên đất nhà Tống. Trong thời bao cấp, ở phố Tông Đản có nhiều nhà ở của các cán bộ cao cấp nhà nước.
  29. Chạn
    Còn gọi cái tủ bếp, gác-măng-rê (âm tiếng Pháp garde à manger), đồ dùng đựng bát đĩa sạch hoặc cất thức ăn, trước làm bằng gỗ hoặc tre, nay bằng inox, gồm nhiều ngăn, các mặt thường có song thưa hoặc lưới sắt. Có khi người ta để bốn chân chạn lên bốn cái bát có chứa nước để chống kiến.

    Chạn bát ngày trước

    Chạn bát ngày trước

  30. Chó chui gầm chạn
    Thân phận hèn kém khi phải nhờ cậy người khác.