Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Theo Bình Nguyên Lộc: Con đường chạy từ Saigon xuống Phú Xuân, Nhà Bè, thì tại đầu đường, phía Saigon, là một chiếc cầu sắt, bắc ngang rạch Ông Lãnh. Cầu nầy mang tên là cầu Quây, vì mỗi ngày phải quây nó một lần để thương thuyền vùng Đồng Nai vào được tới Chợ Lớn. Cầu gồm hai phần, mỗi phần nằm ở một bờ rạch. Đúng mười hai giờ trưa thì cả hai phần đầu cầu được máy điện xoay cho nó xếp vào một bờ rạch. Vậy là cửa rạch được mở lớn ra. Khi ông Diệm (Ngô Đình Diệm) lên nắm chánh quyền thì cầu đó quá cũ, phải xây lại... nhưng họ xây cầu bê-tông, không còn quay được nữa, hóa ra hàng hóa vùng Đồng Nai, phải được đưa tới Saigon bằng xe cam nhông, tiền chuyên chở nặng, tạo ra tăng giá hàng.
  2. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  3. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  5. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  6. Sông Bùng
    Tên một con sông bắt nguồn từ xã Minh Thành, huyện Yên Thành, chảy qua thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

    Sông Bùng

    Vẻ đẹp sông Bùng

  7. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  8. Hổ ngươi
    Xấu hổ, tự lấy làm thẹn.
  9. Hải yến hà thanh
    Biển lặng sông trong, điềm thánh nhân ra đời hoặc chỉ thời thái bình thịnh trị.
  10. Bốn dân
    Thời xưa, dân chia ra làm bốn hạng chính, gồm có: sĩ (người đi học hay làm quan), nông (người làm ruộng), công (người làm thợ), cổ (người buôn bán).
  11. Trăm họ
    Chỉ tất cả người dân trong nước, ngoại trừ dòng họ của nhà vua. "Trăm" là một con số mang tính biểu tượng chỉ sự đông đảo. Thật ra ở Trung Hoa có đến hàng nghìn họ; số họ của người Việt (Kinh) cũng lên đến vài trăm.
  12. Điển hội cầu nho
    Chỉ những kì thi Nho học được triều đình tổ chức để tuyển chọn người tài giỏi, có học thức ra làm quan.
  13. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  14. Sĩ tử
    Người đi thi, người theo nghiệp khoa cử Nho học.
  15. Bõ công
    Đáng công.
  16. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  17. Cổ phúc nhi du
    Vỗ bụng mà rong chơi. Chỉ cảnh thái bình chất phác thời thượng cổ. Chữ trong Nam Hoa Kinh, thiên Mã Đề: "Thời vua Hách Tư, dân sống không biết làm gì, đi không biết đến đâu, (hễ cứ) ngậm cơm thì vui vẻ, (ăn xong thì) vỗ bụng mà rong chơi."
  18. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  19. Vô ngu
    Không lo lắng.
  20. Tóc thả diều
    Tóc chải buông thòng, rẽ tóc xuống hai phía gần ót rồi cuốn vòng lên.
  21. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  22. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  24. Công trình
    Công phu khó nhọc.
  25. Đay
    Nói đi nói lại cho bõ tức, với giọng điệu làm người ta khó chịu.
  26. Kinh Thi
    Một trong Ngũ Kinh, gồm 311 bài thơ vô danh được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, chia làm ba bộ phận lớn là Phong, Nhã và Tụng. Nguồn gốc các bài thơ trong Kinh Thi khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời.
  27. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Nhỉ (phương ngữ Trung Bộ). Như lạ hè (lạ nhỉ), hay hè (hay nhỉ)...
  30. Ý nói muốn sinh con đẻ cái.
  31. Hổ ngai
    Hổ ngươi, mắc cỡ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  32. Kinh
    Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

  33. Lục bình
    Một loại bèo có thân mọc cao khoảng 30 cm, lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Lục bình sinh sản rất nhanh nên có mặt rất nhiều ở các ao hồ, kên rạch. Nhân dân ta thường vớt bèo cho lợn ăn, những năm gần đây xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế. Ngó lục bình cũng được chế biến thành thức ăn, ngon không kém ngó sen.

    Lục bình

    Lục bình