Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  2. Ngũ luân
    Năm mối quan hệ của đạo đức phong kiến: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn.
  3. Đường
    Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...

    Lý Bạch

    Lý Bạch

  4. Tống
    Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
  5. Tam Quốc
    Một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu vào cuối nhà Đông Hán (năm 190) và kết thúc năm 280 với sự sụp đổ của Đông Ngô và sự thống trị của Tây Tấn. Đây là một thời kì loạn lạc, liên tục xảy ra tranh giành quyền lực giữa các phe phái, trong đó mạnh nhất là ba nhà Ngụy, Thục và Ngô cuối cùng tạo nên thế chân vạc, chia ba thiên hạ. Ở nước ta trước đây, thời Tam Quốc được biết đến (nhất là ở miền Nam) qua tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung.
  6. Chu Du
    Ở miền Nam cũng gọi là Châu Du hay Châu Do, một danh tướng của Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Công Cẩn, là một nhà quân sự tài ba, chuyên về thủy chiến, chức vụ chính thức là Đại Đô Đốc, nên được gọi là Chu Đô Đốc. Chu Du nổi tiếng với chiến thắng Xích Bích, trận thủy chiến lớn nhất thời đó. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung mô tả Chu Du là một người còn trẻ, đẹp trai, hiếu thắng và luôn đố kị với Gia Cát Lượng, điều này có lẽ không đúng với lịch sử.

    Chu Du

    Chu Du

  7. Nói chuyện đưa đò
    Nói cho qua chuyện, có ý chòng ghẹo, không thật tâm (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Đát Kỷ
    Cũng thường bị phiên âm sai thành Đắc Kỷ, một mỹ nhân nổi tiếng trong huyền sử Trung Quốc, gây nên sự sụp đổ của nhà Thương. Theo các câu chuyện dân gian, Đát Kỷ là một con hồ ly hóa thành, quyến rũ Trụ Vương, cùng làm những điều tàn ác, sau cùng bị Khương Tử Nha chém chết. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có chứng cứ về sự tồn tại của nhân vật này.
  10. Trụ Vương
    Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
  11. Bạch Câu
    Tên nôm là kẻ Sung, một làng biển chuyên nghề cá nay thuộc địa phận xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  12. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Ách
    Đoạn gỗ cong mắc lên cổ trâu bò để buộc dây kéo xe, cày bừa...

    Trâu mang ách đi cày

    Trâu mang ách đi cày

  14. Có bản chép: chảy.
  15. Vàm Tháp
    Tên một con rạch chảy qua địa phận huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
  16. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  17. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  18. Sự tình thâm nhiễm: Sự tình trở nên nghiêm trọng.
  19. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  22. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  23. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  25. Tên me
    Loại tên của ná cánh (loại vũ khí giống cung hoặc nỏ) làm bằng sống lá cỏ, có tẩm thuốc độc, bắn rất nhẹ và chính xác.
  26. Kền kền
    Cũng có tên là kên kên, đôi khi viết thành kênh kênh hoặc kềnh kềnh, một loài chim ăn thịt và xác chết. Trong văn chương, kền kền thường được dùng tượng trưng cho những người độc ác và cơ hội.

    Kền kền

    Kền kền

  27. Có bản chép: có khi mà đã bị ong châm.
  28. Tỏ
    Sáng, rõ.
  29. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  30. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  31. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  32. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  33. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  34. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  35. Gà ri
    Một giống gà đẻ trứng nhỏ, thường được nuôi ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Gà mái có màu lông màu vàng và nâu, có các điểm đốm đen ở cổ, đầu cánh và chót đuôi. Gà trống có lông màu vàng tía, sặc sỡ, đuôi có lông màu vàng đen dần ở phía cuối đuôi.

    Gà ri

    Gà ri

  36. Trốc
    Đầu, sọ (phương ngữ).