Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép: Gió nồm, nước rặc. Lại có bản khác chép: Mưa nguồn, chớp giật.
  2. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  3. Đọc thêm về chiến thắng Bạch Đằng năm 938 tại đây.
  4. Có bản chép: Chớ đánh chỗ cạn phải chông mà chìm.
  5. Xoan
    Xuân, trẻ (từ cổ).
  6. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  7. Nường
    Nàng (từ cũ).
  8. Bóng sắc
    Nhan sắc, sắc đẹp.
  9. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  10. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  11. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  12. Chân mày.
  13. Ngộ
    Hay, đẹp, lạ (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Thuyền vừa đỗ, mái chèo gác lên còn chưa ráo nước.
  15. Chạy như cờ lông công
    Cờ lông công là loại cờ hiệu của những người lính trạm xưa kia, thường dùng khi chạy công văn hoả tốc (có nguồn nói cờ làm bằng lông gà, lông công là nói cho vần hoặc là từ láy). Chạy như cờ lông công là chạy như người lính trạm cầm cờ lông công, chuyển đệ tin tức quân sự khẩn cấp, ngày nay chỉ việc chạy tất tả ngược xuôi.
  16. Sông Sài Gòn
    Tên cũ là Bình Giang, một con sông chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ thuộc huyện Nhà Bè.

    Sông Sài Gòn

    Sông Sài Gòn

  17. Bất nhơn
    Bất nhân (cách nói của miền Trung và miền Nam), không có tính người, tàn ác. Từ này cũng được dùng với mục đích than vãn, ta thán.
  18. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  19. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  20. Thì
    Thời, lúc.
  21. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  22. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  23. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  24. Khi hát bài này, trẻ em thay "A" và "B" thành tên của hai người mình muốn chọc ghẹo, ghép đôi.
  25. Có nơi hát: Hai bên đồng tình.
  26. Sa đì
    Tên gọi dân gian của bệnh trĩ.
  27. Giá
    Lạnh buốt.
  28. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  29. Vãi
    Ném vung ra.
  30. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  31. Giồng
    Trồng (phương ngữ Bắc Bộ).
  32. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  33. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  34. Họa
    Vẽ (từ Hán Việt).
  35. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)