Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lưu Nguyễn
    Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
  2. Ghe giã
    Tên một loại ghe cổ, nay vẫn còn gặp ở các tỉnh miền Trung.
  3. Vương Khải
    Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
  4. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  5. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  6. Trường thọ
    Sống lâu (từ Hán Việt).
  7. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Phan Trần
    Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
  9. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  10. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  11. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  12. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  13. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  14. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  15. Chùa Hồ Sen
    Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
  16. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  17. Hàng dệt bằng tơ nõn, thưa và mỏng, thường được nhuộm đen.
  18. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  19. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  20. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  21. Dớn
    Một loài rau dại có hình dáng gần giống cây dương xỉ, chỉ có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi nuôi trồng được. Rau dớn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.

    Rau dớn (Nguồn)

    Rau dớn

  22. Cóc kèn
    Tên một loài dây leo mọc phổ biến trong những khu rừng ngập mặn, hay xung quanh những sông ngòi, ao hồ nhiễm mặn ở nước ta. Dây cóc kèn có thể dài từ 8 đến 15 mét, đôi khi mọc thành bụi um tùm. Lá xanh mướt, bóng láng, một cành mang từ 3 đến 5 lá. Quả cây cóc kèn như quả đậu, khi chín màu nâu vàng, mang 1-2 hạt. Cây cóc kèn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng với các loại cây đặc trưng khác như đước, mắm, vẹt. Thân rễ cây cóc kèn là những vị thuốc Nam trị nhiễm trùng, sưng, bong gân. Lá cóc kèn có độc tính, nhân dân ta thường dùng lá có kèn phơi khô đặt trong các chum vại và mảng trữ thóc để trừ mọt.

    Hoa của cây cóc kèn.

    Hoa của cây cóc kèn

    Lá và quả của cây cóc kèn.

    Lá và quả của cây cóc kèn

  23. Rắn nước
    Tên chung của một số giống rắn không có nọc độc, sống dưới nước, thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cá nhỏ...

    Rắn nước

    Rắn nước

  24. Rắn râu
    Một loài rắn độc, nhưng lượng nọc và độc tố không đủ để gây nguy hiểm cho con người. Rắn râu sống ở vùng nước của nhiều địa phương thuộc miền Nam. Đặc điểm nổi bật của rắn râu là từ đầu mũi mọc ra hai xúc tu trông như hai sợi râu. Cặp "râu" này có tác dụng như một loại mồi nhử thu hút các loài cá đến gần.

    Rắn râu

    Rắn râu

  25. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  26. Rắn lục
    Loại rắn cực độc, trọng lượng chỉ trên dưới 300gam và dài 30cm đối với con trưởng thành. Thường gặp là rắn lục xanh có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Lưng có màu xanh lá cây, bụng nhạt hơn lưng. Có nhiều loại rắn lục như: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục núi...

    Rắn lục xanh

    Rắn lục xanh

  27. Rắn mái gầm
    Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...

    Rắn mái gầm

    Rắn mái gầm

  28. Lần khân
    Lần lữa, dây dưa, kéo dài ra mà không chịu quyết định.

    Chày sương chưa nện cầu Lam,
    Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?

    (Truyện Kiều)

  29. Dũng Quyết
    Cũng gọi là rú (núi) Quyết, một ngọn núi nằm trong quần thể Lâm viên Núi Quyết thuộc địa bàn phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An. Từ xưa núi đã được đánh giá là có thế Long, Ly, Quy, Phượng, được vua Quang Trung chọn là nơi đóng đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.

    Đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết

    Đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết

  30. Cửa Lò
    Một địa danh ven biển nay là thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An và là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

    Bãi biển Cửa Lò

    Bãi biển Cửa Lò

  31. Giùm
    Giúp đỡ (thường là về tiền bạc, vốn liếng) (phương ngữ Nam Bộ).
  32. Trùm
    Người đứng đầu một phường hội thời xưa.

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

  33. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  34. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  35. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Cu.
  37. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  38. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  39. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  40. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  41. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  42. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  43. Có bản chép: lời.
  44. Có giả thuyết rằng bài ca dao này nói về câu chuyện của bà Phi Yến (tên thật là Lê Thị Răm), thứ phi của Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long), và hoàng tử Cải con bà. Tương truyền khi Nguyễn Ánh muốn gửi con cả là hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện chống lại quân Tây Sơn, bà Phi Yến đã can ngăn chồng đừng làm việc "cõng rắn cắn gà nhà." Tức giận, Nguyễn Ánh đày bà ra một hòn đảo nhỏ ở Côn Lôn. Khi quân Tây Sơn tấn công, Nguyễn Ánh cùng cung quyến và đám người tùy tùng xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc. Hoàng tử Cải lúc bấy giờ mới 4 tuổi (có bản chép là 5) không thấy mẹ đâu, khóc lóc đòi mẹ. Nguyễn Ánh tức giận, ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải dạt vào bãi san hô và được người dân vớt lên chôn cất. Hay tin con mất, bà Phi Yến khóc lóc rất thảm thiết. Dân làng thương xót, đặt ra câu hát này.

    Hiện nay ở Côn Đảo vẫn còn miếu Bà thờ bà Phi Yến, và miếu Cậu thờ hoàng tử Cải.

    Miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo

    Miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo

  45. Thầy địa lí
    Người làm nghề xem thế đất để tìm chỗ đặt mồ mả, dựng nhà cửa cho được may mắn, theo thuật phong thủy.
  46. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  47. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  48. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.