Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trường án
    Cái bàn dài, thường là bàn làm việc trong văn phòng của quan chức.
  2. Sen đầm
    Hiến binh, lính cảnh sát chuyên bảo vệ trị an dưới thời Pháp thuộc. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp gendarmerie.
  3. Lính thú
    Lính đi đóng đồn, canh phòng ở các vùng biên giới.
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  6. Hàn vi
    Nghèo hèn (từ Hán Việt)
  7. Mai Hắc Đế
    Sinh vào cuối thế kỷ 7 ở Mai Phụ, Nam Đàn, Nghệ An, mất vào năm 722. Đa số các tài liệu ghi rằng tên thật của ông là Mai Thúc Loan, một số khác lại cho ông tên thật là Mai Phượng, tên tự là Mai Thúc Loan. Năm 713, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (tên vùng Nam Đàn, Nghệ An lúc bấy giờ) chống lại nhà Đường, đến tháng 4 thì xưng đế, lấy hiệu là Mai Hắc Đế, xây dựng kinh đô Vạn An tại vùng Sa Nam, giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713-722). Năm 723, nhà Đường cho lực lượng lớn kéo sang đàn áp, Vạn An thất thủ. Có thuyết nói ông bị chém khi giáp trận với giặc, thuyết khác cho ông bị sát hại sau khi quân Đường chiếm được Vạn An, có thuyết lại nói trong khi rút quân, ông bị rắn độc cắn mà chết.

    Về tên hiệu của ông, một số sử sách chép rằng đó là do ông có làn da ngăm đen. Theo Việt điện u linh tập, theo thuyết Ngũ hành, Dịch lý thì màu đen tượng trưng cho nước, mà Mai Thúc Loan vốn xuất thân ở gia đình nấu muối vùng ven biển nên có thể ông lấy hiệu Hắc Đế để hợp với mệnh của mình.

    Lễ hội đền vua Mai

    Lễ hội đền vua Mai

  8. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  9. Khi Lý Công Uẩn lên 3 tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và đi tu từ đó. Đến năm 7 tuổi, ông được cha nuôi gửi cho người bạn là thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ.
  10. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  11. Rớ
    Loại lưới đánh cá lớn. Có hai loại rớ là rớ chồ và rớ thuyền. Rớ chồ rộng khoảng 80 đến 130 mét vuông, bốn góc rớ được cố định bằng bốn cây tre to cắm xuống lòng sông và được kết nối với một trục quay đặt trên một cái chòi qua hệ thống dây tời dài. Để kéo được chiếc rớ khổng lồ này người ngồi trên chòi phải dùng hai chân đạp vào các thang của trục tời để quay cho rớ nổi lên khỏi mặt nước. Khi rớ được kéo lên, người ta bơi một chiếc xuồng nhỏ ra giữa sông, nhẹ nhàng dùng tay vén bụng rớ từ ngoài vào trong để dồn tôm cá vào phía cửa thoát nằm ở ngay dưới bụng rớ. Lúc cá tôm được dồn về một chỗ, họ lại nhẹ nhàng túm lấy miệng cửa thoát kéo thấp xuống để cho cá tôm trút hết vào lòng xuồng. Rớ thuyền là một loại nghề di động, rớ được đặt gọn trên một con thuyền dài khoảng 7 - 8 mét, bơi trên sông để đánh bắt cá.

    Rớ

    Rớ

  12. Bủng
    Vẻ ngoài nhợt nhạt, ốm yếu.
  13. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  14. Ngọt ngay
    Cũng nói là ngọt ngây, cách nói của Trung và Nam Bộ để mô tả vị ngọt đậm đà.

    Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây
    Ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây

    (Hành trình trên đất phù sa - Thanh Sơn)

  15. Trà Quế
    Tên một ngôi làng nằm cách phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam khoảng 3 km về hướng Đông Bắc. Tại đây có nghề truyền thống là trồng rau, nên còn gọi là làng rau Trà Quế.

    Tưới rau ở làng rau Trà Quế

    Một vườn rau Trà Quế

  16. Giâm
    Cắm hay vùi xuống đất ẩm một đoạn cành, thân hay rễ cây để thành một cây mới. Cũng phát âm và viết là giăm.
  17. Giá
    Mầm non của cây đậu, thường là đậu xanh.

    Giá đỗ

    Giá

  18. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  19. Bể
    Biển (từ cũ).
  20. Ngàn
    Rừng rậm.
  21. Có bản chép: dòm.
  22. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  23. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  24. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  25. Có bản chép: Cô gái.
  26. Có bản chép: còn son.
  27. Don
    Một loại thân mềm giống hến, vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út người lớn, là đặc sản chỉ có ở Quảng Ngãi. Cứ từ tháng giêng âm lịch đến cuối mùa hè, người dân miền đông Quảng Ngãi, nơi sông Trà đổ ra biển (cửa Đại Cổ Lũy) lại rủ nhau đi nhủi (cào) don, chế biến thành nhiều món ăn ngon.

    Don

    Don

    Don xào xúc bánh tráng

    Don xào xúc bánh tráng

  28. Vạn Tượng
    Tên một làng nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển bằng cửa Đại Cổ Lũy. Tại đây nổi tiếng với đặc sản là don.