Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  2. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  3. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  4. Đồng Gieo
    Một địa danh nằm ở vùng hạ lưu sông Đà Nông, tỉnh Phú Yên.
  5. Quán Cau
    Đèo Quán Cau ở làng Mỹ Phú, còn chợ Quán Cau ở làng Phong Phú, đều thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây nổi tiếng có giống ngựa thồ rất tốt. Phía đông đèo Quán Cau là đầm Ô Loan, một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta.

    Về địa danh Quán Cau, có câu chuyện sau: Ngày xưa, nơi chân đèo Quán Cau có một bà cụ già không rõ từ đâu đến. Bà cất quán bán trầu cau, khách bộ hành qua đèo khá dài nên dừng chân giải khát, mua trầu cau ăn nghỉ rồi tiếp tục hành trình. Người đi ra Bắc đến chân đèo thì chờ người bạn đường, cũng mua trầu cau ăn rồi tiếp tục trèo đèo. Vì thế có tên đèo Quán Cau.

    Đèo Quán Cau

    Đèo Quán Cau

  6. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  7. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  8. Chuột chù
    Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.

    Chuột chù

    Chuột chù

  9. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  10. Mọi
    Muỗi (phương ngữ Bắc Trung Bộ)
  11. Chữ chương 章 nhìn từ trên xuống dưới gồm các chữ lập 立 (gây dựng), viết 曰 (rằng) và thập 十 (mười).
  12. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  13. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  14. Bộ đội hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An không muốn xuất ngũ vì quê nhà khi ấy còn đói khổ quá. Hai câu này không rõ có từ khi nào, giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam vẫn còn nghe.
  15. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  16. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  17. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  18. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  19. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  20. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  21. Cồn lạp là cách nói lái của cạp lồn.
  22. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  23. Móng
    Cá quẫy, đớp bọt nước. Móng là bong bóng nhỏ do cá đớp mồi trên mặt nước tạo nên.
  24. Một giỏ cá mua không bằng cái cua ao Láng
    Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: Tại xứ Hậu Đồng xã Trí An có cái ao Láng có giống cá cua ăn rất thơm ngon.
  25. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  26. Quế Sơn
    Địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trước đây. Quế Sơn có nghề truyền thống là làm đồ gốm.
  27. Do Lễ
    Một làng nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
  28. Khả Phong
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một vùng thung lũng có phong cảnh đẹp.

    Đường vào xã Khả Phong

    Đường vào xã Khả Phong

  29. Năm 1882 có sao chổi mọc, người xưa cho là có điềm xấu hoặc chiến tranh xảy ra.
  30. Ngày 9 tháng 5 năm 1883 (Quý Mùi), tại Cầu Giấy (Hà Nội), quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đã phục kích quân Pháp do Rivière chỉ huy trong cuộc chuyển quân từ Hà Nội về Phủ Hoài. Trận đánh xảy ra trong 3 tiếng đồng hồ với chiến thắng thuộc về quân Cờ Đen. Về phía Pháp, Rivière bị giết chết.

    Trận Cầu Giấy

    Trận Cầu Giấy

  31. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  32. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  33. Buồm bê
    Buồm bị gió tạt.
  34. Nói nửa chừng
    Nói nửa vời, nói nước đôi.
  35. Có bản chép: Người khôn nói tiếng lừng khừng.