Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lọ, nhọ.
  2. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  3. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  4. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công: Tháng tám giáp hạt hết gạo, nông dân cắt lúa non về rang lên làm cốm, làm thính ăn đỡ đói. Các bà, các chị vừa làm vừa nếm. Vì cốm, thính đều khó ăn, ai cũng phải ngậm trong miệng nhai, bất ngờ có người hỏi chuyện cứ ú ớ chẳng khác nào bị câm. Làm cốm, thính phải dùng nia, giần, sàng để sàng sảy, có chút dính vào cũng phải tận thu, "vập" cho ra bằng hết. Tháng ba, ngày tám, chủ thiếu ăn, chó cũng đói giơ xương sườn. Ngửi thấy mùi thơm ngũ cốc, lũ chó quanh quẩn lăn vào la liếm, bị người đuổi ra không được, tiện tay dùng giần, sàng vập (đánh) vào chó.
  5. Để chế
    Để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  6. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  7. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
  8. Lịch
    Lịch lãm, thanh lịch. Cũng hiểu là xinh đẹp.
  9. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  10. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  11. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  12. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  13. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  14. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  15. Bình Trung
    Tên một làng nay là ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
  16. Dương Phước
    Tên một thôn xưa thuộc tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công, nay thuộc xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
  17. Xà lan
    Cũng viết là sà lan, từ tiếng Pháp chaland, phương tiện vận tải đường thủy có đáy bằng, thường được dùng ở sông, kênh đào và bến cảng.

    Xà lan

    Xà lan

  18. Chợ Lớn
    Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.

    Chợ Bình Tây ngày trước

    Chợ Bình Tây ngày trước

  19. Thanh Trì
    Một địa danh trước đây thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đến năm 1961 được sát nhập và Hà Nội. Lần lượt vào năm 2001 và 2003, một phần của Thanh Trì được cắt ra để thành lập quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, với nhiều ao, hồ, đầm. Tên cổ của huyện là Thanh Đàm có nghĩa là "đầm xanh," chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện, đến thế kỉ 16 do kị húy vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên đổi thành Thanh Trì (ao xanh). Tại đây có món đặc sản rất nổi tiếng là bánh cuốn Thanh Trì.
  20. Nhân Mục
    Tên Nôm là Kẻ Mọc, tên gọi chung một số thôn làng cổ nằm trên bờ Nam sông Tô Lịch, phía ngoài lũy thành đất Thăng Long. Theo Quốc sử tạp lục thì vào thế kỷ 10, các làng Mọc đều có rừng, vậy mới có tên là Kẻ Mọc, tên chữ là Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Xã Nhân Mục dân số ngày càng đông, phát triển thành hai xã là: Nhân Mục Cựu (gồm hai thôn Thượng Đình và Hạ Đình) và Nhân Mục (gồm các thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Kẻ Mọc ngày trước có nhiều người đỗ đạt, nhiều di tích lịch sử và văn hóa.
  21. Hàng xáo
    Nghề đong thóc về xay giã thành gạo rồi đem bán để kiếm lãi. "Hàng xáo" còn để chỉ chung những người buôn bán nhỏ, ít vốn, phải xoay xở mua rồi bán trong thời gian ngắn nhất.
  22. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  23. Đình Gừng
    Một ngôi đình nay thuộc Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, thờ thần sông Tô Lịch và Lê Dương Vệ. Nơi đây từng được quân Quang Trung chứa vũ khí để đánh đuổi quân Thanh. Vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội, gọi là hội Đình Gừng, bao gồm lễ chạy mã, múa rồng, múa sư tử, cờ người, vật, hát chèo...
  24. Định Công
    Tên một làng thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Làng có truyền thống làm nghề kim hoàn nổi tiếng, tương truyền là từ ba anh em họ Trần vào thời Lý Nam Đế: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền.

    Tác phẩm Khuê Văn Các của nghệ nhân làng Định Công

    Tác phẩm Khuê Văn Các của nghệ nhân làng Định Công

  25. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  26. Bánh bột lọc
    Một loại bánh làm từ bột sắn, thường có nhân bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm-thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy. Bánh thường được ăn kèm nước mắm pha hơi ngọt. Vì có lớp vỏ trong suốt, nên bánh bột lọc cũng được gọi là bánh trong.

    Bánh bột lọc

    Bánh bột lọc

  27. Khó
    Nghèo.
  28. Lãnh Mỹ A
    Cũng gọi là tơ xuyên, một loại vải lãnh nổi tiếng một thời ở làng lụa Tân Châu, nay là thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Để làm được một cây lụa Mỹ A phải tốn rất nhiều công sức. Ðầu tiên phải chọn loại tơ tằm tốt nhất, đem về quay ra, móc cửi, rồi đưa lên khung dệt. Để tạo màu cho lụa, người ta chọn những trái mặc nưa lớn và còn xanh (không chọn những trái chín vì không còn nhựa) sau đó giã nát như bột, cho vào khăn lược vắt lấy nước màu đen, rồi cho vào thùng để nhuộm. Trung bình cứ nhuộm một cây lụa dài 20 m thì phải cần đến 100 kg mặc nưa. Thời gian nhuộm và phơi ròng rã mất 1 tháng 10 ngày mới xong. Chính vì tốn nhiều công lao như vậy nên lãnh Mỹ A là một mặt hàng cao cấp trước đây.

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  29. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  30. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  31. Cai mộ
    Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
  32. Cà rạp
    Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
  33. Sauvage
    Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
  34. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  35. Hạ Lý
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
  36. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  37. Cái rìu
    Dụng cụ dùng để chặt cây hay bửa củi. Rìu gồm lưỡi rìu nặng và sắc bén, rèn bằng sắt hay thép tra vào một cán gỗ. Trước đây, rìu còn lại một loại vũ khí dùng trong chiến tranh.

    Cái rìu.

    Cái rìu.

  38. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  39. Dây nảy mực
    Trước đây khi xẻ gỗ (theo bề dọc), để xẻ được thẳng, người thợ cầm một cuộn dây có thấm mực Tàu, kéo dây thẳng ra và nảy dây để mực dính vào mặt gỗ, tạo thành một đường thẳng. Hành động kéo dây nảy mực này cũng gọi là kẻ chỉ.
  40. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  41. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  42. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Thợ thuyền
    Công nhân (từ cũ).