Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kiềng
    Vòng trang sức bằng vàng hay bạc, thường được đeo trên cổ hay dưới cổ chân. Ngày xưa, kiềng cổ làm bằng vàng, to bằng ngón tay út, rỗng ruột. Kiềng có chạm khắc hoa văn được gọi là kiềng chạm, kiềng không chạm khắc được gọi là kiềng trơn.

    Kiềng của người Dao

    Kiềng của người Dao

  2. Nòi
    Dòng giống.
  3. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  4. Cù nèo
    Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
  5. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  6. Bát tiết
    Tám trong số hai mươi bốn tiết khí theo cách tính lịch của Trung Quốc và các nước ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Tám tiết này đánh dấu những thời điểm quan trọng đối với nhà nông, đó là: lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí. Cách nói tứ thời bát tiết (bốn mùa, tám tiết) chỉ trạng thái luôn luôn, quanh năm.

    Tứ thời, bát tiết canh chung thủy
    Ngạn liễu, đôi bồ dục điểm trang

    (Đôi câu đối của cụ Nguyễn Khuyến viết tặng anh hàng thịt).

  7. Theo kinh nghiệm dân gian, thời điểm động dục của chó là mùa thu, trâu thì mùa hè, còn người thì... quanh năm.
  8. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  9. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  10. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  11. Lạt
    Nhạt (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Gối.
  14. Một loại vải dệt thưa, thường dùng để may màn hoặc may tang phục.
  15. Huyền đề
    Móng thừa ở chân chó, cũng gọi là móng treo hoặc móng đeo. Chó có móng này gọi là chó huyền đề.

    Chó huyền đề

    Chân một con chó huyền đề

  16. Ốc len
    Một loại ốc to khoảng ngón tay trỏ hoặc ngón tay cái, màu nâu đậm xen lẫn vân trắng, vỏ cứng với nhiều đường gân nhỏ xoay quanh. Ốc len thường được chế biến thành các món đặc sản như ốc len hầm nước dừa hoặc ốc len xào dừa.

    Ốc len xào dừa

    Ốc len xào dừa

  17. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  18. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  19. Ông phó
    Tên gọi dân gian của những người có học vị Phó bảng thời phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945). Đây là những người dự thi Hội mà không đủ điểm đỗ Tiến sĩ, được lấy đỗ thêm để khuyến khích, tên ghi vào một bảng phụ, nên gọi là Phó bảng. Theo Đại Nam thực lục, học vị này có từ năm 1829, do vua Minh Mạng chủ trương.
  20. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  21. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  22. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  23. Lừa
    Lựa chọn.
  24. Vong
    Vong hồn hiện lên nhập vào người sống, nói năng, giao tiếp với người sống, trong nghi lễ gọi hồn.
  25. Chiều như chiều vong
    Chiều chuộng một người nào đó đến mức quá đáng, muốn gì được nấy.
  26. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).