Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chim vịt
    Một loại chim thường gặp ở các vùng đồng quê nước ta. Chim trống trưởng thành dài khoảng một gang tay, có màu xám nâu ở phần trên và màu cam ở dưới bụng, đầu có màu xám kéo xuống đến phần trên của ngực. Lông đuôi của chúng có những khuyên màu trắng trên nền đen hay nâu sẫm. Chân và bàn chân có màu vàng, mắt đỏ, mỏ thường có màu nâu sẫm, gốc mỏ màu vàng nhạt, mép mỏ hơi hồng. Chim mái trông tương tự như chim trống nhưng thiên về tông màu nâu.

    Tiếng gù của chim vịt trống gồm một chuỗi âm vực tăng dần từ thấp đến cao rồi lại giảm dần xuống thấp với khoảng 11-12 âm vực khác nhau, nghe rất thê lương, buồn bã.

    Chim vịt

    Chim vịt

  2. Chim
    Ve vãn, tán tỉnh.
  3. Long Thần
    Thần rồng trong thần thoại Ấn Độ, tiếng Sanskrit là नागराज Nāgārāja (nghĩa là vua rồng) . Trong thần thoại Phật giáo, Long Thần có chức năng hộ trì Phật pháp, bảo vệ chùa chiền và người tu hành. Vì thế, nhiều chùa chiền thường có tượng Long Thần.

    Tượng Long Thần ở chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

    Tượng Long Thần ở chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

  4. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  5. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  6. Hà Bá
    Vị thần cai quản sông trong tín ngưỡng đạo giáo. Xưa kia ven sông thường có đền thờ Há Bá để cầu cho mọi người không gặp nạn trên sông và bắt được nhiều cá trong mùa mưa. Hà Bá thường được miêu tả là một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm một cây gậy phất trần với một bầu nước uống, ngồi trên lưng một con rùa và cười vui vẻ.

    Một hình vẽ Hà Bá theo truyền thuyết

    Một hình vẽ Hà Bá theo truyền thuyết

  7. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  8. Đố
    Thanh tre hay gỗ đóng dọc ở vách, cùng với những thanh ngang gọi là mè, tạo thành "khung xương" cho vách đất.
  9. Giàu nứt đố đổ vách
    Ngày xưa người ta thường làm nhà vách đất, trước tiên đan mè và đố làm xương, sau đó lấy đất sét nhồi với rơm trét vào hai mặt. Đến mùa thu hoạch thì khoanh gỗ áp vào tường để đựng thóc gạo, đựng nhiều có thể làm xiêu vẹo vách tường, nên nhà "nứt đố đổ vách" nghĩa là nhà giàu có, nhiều thóc gạo.
  10. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Thất ngôn
    Lỡ lời (từ Hán Việt).
  12. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Bể
    Biển (từ cũ).
  14. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  15. Kẹo kéo
    Một loại kẹo làm từ mật mía hoặc đường, trong có nhân đậu phộng. Kẹo kéo dẻo, được cuộn lại thành kẹo to và dài như cánh tay, bọc vải sạch hoặc nylon, khi ăn thì kéo ra một đoạn vừa phải (nên gọi là kẹo kéo). Kẹo kéo ngọt, thơm, rẻ, là một món quà vặt rất quen thuộc của trẻ em.

    Kẹo kéo

    Kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

  16. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  17. Sa Đéc
    Địa danh nay là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt." Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này, lại có quan điểm cho rằng nguyên gốc tên gọi Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer. Từ những ngày mới thành lập, vùng đất Sa Đéc đã nổi tiếng hưng thịnh.

    Làng hoa Sa Đéc

    Làng hoa Sa Đéc

  18. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  19. Tằm nuôi ba lứa mới có nhiều kinh nghiệm, ruộng cấy ba năm mới biết đất tốt hay xấu.
  20. Hòa cốc phong đăng
    Thóc lúa, ngũ cốc được mùa (thành ngữ Hán Việt). Đây là câu chúc cho nhà nông, nằm trong bốn câu chúc cho tứ dân sĩ-nông-công-thương, với ba câu kia lần lượt là Văn tấn võ thăng (văn võ cùng tiến tới), Ngư hà lợi lạc (đánh cá sông biển đều được lợi) và Nhất bổn vạn lợi (một vốn vạn lời).
  21. Tay co
    Uốn vòng tay mà chịu lấy đồ nặng (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

    Như chàng có vững tay co
    Mười phần cũng đắp điếm cho một vài

    (Truyện Kiều)

  22. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  23. Mấn
    Váy (phương ngữ Nghệ Tĩnh).