Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trống lệnh
    Loại trống lớn, được đánh trong các lễ hội hoặc khi ra trận.

    Đánh trống lệnh trong lễ hội ra quân nghề cá ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)

    Đánh trống lệnh trong lễ hội ra quân nghề cá ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)

  2. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  3. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  4. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhì Bí.
  5. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  6. Chỉ hai mối nguy hiểm sống chết mà người đi rừng hay người đi khai hoang ngày xưa luôn phải e sợ, đề phòng.

    Có ý kiến khác cho rằng "tha" ở đây là tha mạng, nên thành ngữ này có nghĩa là một người khi đã tới số thì không thể nào tránh khỏi tai nạn.

  7. Bán nguyệt
    Nửa hình tròn (bán nguyệt từ Hán Việt nghĩa là nửa mặt trăng).
  8. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  9. Nại Hiên
    Một làng biển nay thuộc địa phận quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  10. Trong bài viết Lại bàn về các địa danh ở Đà Nẵng, tác giả Lưu Anh Rô cho rằng: Hai chữ Nại Hiên có nghĩa chung là “Nơi ở của những người chịu đựng gian khổ”. Bởi, “Nại” có nghĩa là “chịu đựng”, “Hiên” có nhiều nghĩa nhưng nghĩa phù hợp với địa dư làng này phải là “nhà nhỏ” (hoặc hành lang, túp lều). Lại thêm, để viết được chữ muối thì phải viết chữ “diêm” mà chữ này lại có chữ “lỗ” (nghĩa là đất có vị mặn không thể cày cấy được). Như vậy, Nại Hiên là làng của những người mà đất đai bị nhiễm mặn không thể cày cấy được, họ kiếm kế sinh nhai bằng nhiều cách.
  11. Long Điền Chợ Thủ
    Địa danh nay thuộc xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, trên đoạn đường từ thị trấn Mỹ Luông đến thị trấn Chợ Mới. Theo nhà văn Sơn Nam thì dịa danh Chợ Thủ là tên gọi tắt của Chiến Sai thủ sở, nằm ở phía tây sông Trà Thôn. Thủ là đồn quân có nhiệm vụ kiểm soát sông rạch, Chiến Sai là cách đọc trại của từ Khmer Kiên Svai (chòm cây xoài). Đến đời Minh Mạng, Thủ Chiến Sai đổi tên là bảo An Lạc. Ngoài ra nơi đây còn được gọi là Củ Hủ, Cù Hu hay Cỗ Hỗ.

    Long Điền Chợ Thủ có hai nghề truyền thống là dệt vải và đóng đồ mộc, chạm khắc gỗ.

  12. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  13. Chõng
    Đồ dùng để nằm, ngồi, làm bằng tre nứa, giống như chiếc giường nhưng nhỏ, hẹp hơn. Ngày xưa, những nhà buôn bán nhỏ thường xếp hàng hóa lên một chiếc chõng, gọi là chõng hàng.

    Hàng bún riêu bày trên chõng

    Hàng bún riêu bày trên chõng

  14. Lóng
    Đốt (lóng tay: đốt tay, lóng mía: đốt mía, lóng tre: đốt tre...) (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  16. Chúng sinh
    Chỉ tất cả con người, động và thực vật (từ Hán Việt).
  17. Hòa Đại
    Tên một làng nay thuộc xã Cát Hiệu, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
  18. Hiệp Luông
    Địa danh thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
  19. Truông Ba Gò
    Một vùng đất rộng khoảng 500 mẫu Trung Bộ, hoang vu rậm rạp (Văn học dân gian, tập 1, NXB Văn Học 1977).
  20. Có bản chép: Gái ngoan.
  21. Ba quân
    Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
  22. Nường
    Nàng (từ cũ).
  23. Khăn xéo
    Một loại khăn bịt đầu ngày xưa, vừa để che mưa nắng vừa có thể làm tay nải để đựng đồ đạc khi cần. Cũng gọi là khăn chéo.
  24. Hạnh
    Trong ca dao, chữ hạnh ghép với các danh từ khác (như buồm hạnh, buồng hạnh, phòng hạnh, vườn hạnh, ...) thường dùng để chỉ những vật thuộc về người phụ nữ, trong các ngữ cảnh nói về sự hi sinh, lòng chung thủy, hay những phẩm hạnh tốt nói chung của người phụ nữ. Có thể hiểu cách dùng như trên bắt nguồn từ ý nghĩa chung của từ hạnhnết tốt.
  25. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  26. Dốc Một, chùa Lầu
    Hai địa danh nay thuộc tỉnh Phú Yên. Dốc Một ở cách đèo Quán Cau về phía núi Đọ 3 km, trên dốc có một chùa có gác chuông cao nên gọi là Chùa Lầu. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết của một đôi trai gái không lấy được nhau, bỏ nhà đi tu.
  27. Thâm ân
    Ân tình, ân nghĩa sâu nặng.
  28. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  29. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  30. Kim cổ kì quan
    Những cảnh lạ (kì quan, hiểu rộng ra là chuyện lạ) từ xưa (cổ) đến nay (kim).
  31. Đoài
    Phía Tây.
  32. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  33. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).